Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ

Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, trong 24.000 tiến sĩ cả nước thì có 15.000 người công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

- Câu chuyện đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Mỗi năm Học viện được giao khoảng 350 chỉ tiêu tiến sĩ, có người thống kê cứ hơn một ngày thì có một tiến sĩ ra lò? Ý kiến của Bộ thế nào?

- Từ năm 2011, cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ trong phạm vi được quy định tại Thông tư 57/2011, không còn việc nhà nước “giao chỉ tiêu” nữa. Năm 2010, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 17 Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Như vậy, việc thành lập Học viện không phải hình thành một cơ sở đào tạo mới mà là hợp nhất bộ phận quản lý đào tạo của các Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội với mong muốn công tác quản lý đào tạo được chuyên nghiệp và tiết kiệm hơn.

Chỉ tiêu của Học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nếu chia bình quân cho các viện nghiên cứu thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải quá lớn. Theo quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang kiểm tra, xử lý những đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng quy định.

Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ luận án trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam còn chưa cao như ở các nước phát triển. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sĩ vừa là vấn đề cần thiết, vừa là khó khăn trong điều kiện khả năng đầu tư cho đào tạo và mức học phí của nghiên cứu sinh đều còn khiêm tốn…

Tuy nhiên, cơ quan quản lý và cơ sở đạo tạo sẽ phải quyết tâm thực hiện trong thời gian tới để ngày càng đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

- Rất nhiều người nhận xét là các đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội chỉ tương đương đề tài tốt nghiệp cử nhân. Bộ kiểm tra, giám sát các đề tài như thế nào?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, trong đó quản lý chất lượng đào tạo thông qua việc quy định điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện… Còn việc “kiểm tra các đề tài nghiên cứu” cụ thể thì quy chế đào tạo đã quy định chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định) và cơ sở đào tạo. Khi có nhiều người nhận xét đề tài không tốt thì cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, hội đồng chấm luận án… nên kiểm tra, cân nhắc kỹ.

Nếu các nhà chuyên môn thấy đề tài cần thiết nghiên cứu, đúng tầm là một luận án tiến sĩ, nội dung luận án có chất lượng… thì tác giả luận án cần thuyết minh rõ về sự cần thiết nghiên cứu, mục tiêu, ý nghĩa của việc nghiên cứu để không gây bức xúc dư luận. Cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ có quyền tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo thì phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo và giải trình với cơ quan quản lý và với xã hội về chất lượng đào tạo.

viet-nam-co-hon-24000-tien-si

Quyền vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Dương Triều

Trong quy chế, Bộ Giáo dục đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Một trong số đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo.

Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án, Bộ Giáo dục sẽ tăng cường tổ chức thẩm định và áp dụng các chế tài xử lý đối với cơ sở đào tạo có nhiều luận án kém chất lượng.

Bộ Giáo dục đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới thay thế quy chế hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo; và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo; nghĩa là cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ được tự chủ ở mức cao và ngược lại. Qua phản ảnh của dư luận về chất lượng luận án tiến sĩ, tên đề tài nghiên cứu, quy trình đào tạo, phản biện luận án… Bộ sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sĩ.

- Quy định của Bộ Giáo dục như thế nào về điều kiện đào tạo tiến sĩ?

- Từ năm 2011, điều kiện để cho phép các cơ sở đạo tạo trình độ tiến sĩ ở nước ta được quy định và thực hiện theo Điều 3, Thông tư 38 ngày 22/12/2010 của Bộ Giáo dục. Cụ thể, cơ sở đó phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ ở chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo. Giảng viên ngoài yêu cầu phải có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, phải có khả năng phát hiện vấn đề nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo nghiên cứu sinh xây dựng đề cương nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án, viết luận án và tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ.

Mỗi ngành có ít nhất một giáo sư hoặc phó giáo sư và 4 tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, trong đó có 3 người cùng chuyên ngành; có đủ khả năng và điều kiện để thành lập hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ và tổ chức đánh giá luận án.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ tiến sĩ như: Có đủ phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu với trang thiết bị cần thiết bảo đảm để nghiên cứu sinh có thể triển khai đề tài luận án; có chỗ làm việc dành riêng cho người hướng dẫn và nghiên cứu sinh; thư viện có đủ nguồn thông tin tư liệu và phương tiện để nghiên cứu sinh tìm hiểu, tra cứu khi thực hiện đề tài luận án...

Các giảng viên tham gia giảng dạy trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ đã và đang chủ trì các đề tài khoa học từ cấp Bộ hoặc tương đương trở lên ở chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo. Mỗi giảng viên là tiến sĩ có ít nhất 3 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có trong danh mục của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quy định trong 5 năm trở lại đây tính đến ngày cơ sở đào tạo đề nghị cho phép đào tạo chuyên ngành trình độ tiến sĩ...

Đây là những điều kiện cần thiết, tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ. Thực tế những năm qua, Bộ Giáo dục thực hiện đúng theo quy định này trong việc cấp phép đào tạo cũng như kiểm tra, xử lý sai phạm.

- Vậy các đại học, học viện xác định chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí nào?

- Điều kiện xác định chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ được quy định tại thông tư 32/2015 của Bộ Giáo dục (trước đây là Thông tư 57/2011). Theo đó, có thể tính chỉ tiêu tuyển nghiên cứu sinh theo công thức sau:

Chỉ tiêu tuyển nghiên cứu sinh = (số giảng viên trình độ tiến sĩ x 3 + số giảng viên chức danh phó giáo sư x 4 + số giảng viên chức danh giáo sư x 5) – (số nghiên cứu sinh hiện có – số nghiên cứu sinh dự kiến tốt nghiệp).

- Tổng số tiến sĩ trên phạm vi cả nước hiện nay là bao nhiêu và được phân bổ như thế nào?

- Hiện nay, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ; Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

Theo các quy định của Quy chế đào tạo do Bộ Giáo dục ban hành, việc đánh giá luận án để cấp bằng tiến sĩ là quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Việc đánh giá cán bộ, công chức, người lao động… đang làm việc thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động.

Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sĩ đang làm việc tại cơ sở.

Nguồn Vnexpress