VN-Index có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.170-1.175 điểm

Trong phiên giao dịch hôm nay (8/7), VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.170 – 1.175 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.180 – 1.185 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục giải ngân từng phần

Thị trường chứng khoán hồi phục khá tốt sau ba phiên giảm điểm liên tiếp nhưng với thanh khoản suy giảm mạnh và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 20 phiên. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 16,87 điểm (+1,47%) lên 1.166,48 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 248 mã tăng (10 mã tăng trần), 84 mã tham chiếu, 183 mã giảm (4 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,02%) xuống 271,86 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là trung tính với 92 mã tăng (9 mã tăng trần), 61 mã tham chiếu, 91 mã giảm (6 mã giảm sàn).

Thị trường giằng co khá mạnh trong phiên giao dịch sáng nhưng lực cầu gia tăng trong phiên chiều và tăng mạnh sau đó giúp chỉ số VN-Index và VN30 kết phiên ở mức cao nhất. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 (+1,43%) hồi phục khá tốt trong phiên 7/7, với 24/30 mã tăng. Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều có sự hồi phục tốt trong phiên 7/7. Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí chịu áp lực bán với các cổ phiếu như: BSR (-5,1%), PVS (-1,3%), PVD (-2,9%), PVC (-3,9%), PSH (-2,3%)... trước diễn biến sụt giảm của giá dầu trên thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 16,87 điểm (+1,47%) lên 1.166,48 điểm

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau ba phiên giảm điểm liên tiếp thì thị trường cũng có phiên hồi phục trở lại với mức tăng trên 1%, nhưng đáng chú ý là việc thanh khoản suy giảm mạnh so với các phiên trước đó và nếu tính trên khối lượng khớp lệnh thì đây là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ cuối năm 2020 đến nay. Điều này rõ ràng đã thể hiện việc bên bán gần như chỉ xuất hiện trong phiên sáng với áp lực bán nhẹ nên chỉ cần bên mua mạnh tay hơn trong phiên chiều cũng đã giúp cho VN-Index và VN30 cũng kết phiên ở mức cao nhất.

“Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục giải ngân từng phần đối với những mã cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng và giá đã giảm về vùng hấp dẫn. Trong ngắn hạn, dựa vào phân tích kỹ thuật, phiên hồi phục 7/7 chưa thật sự thuyết phục khi thanh khoản giảm mạnh và sẽ cần theo dõi thêm diễn biến thị trường trong phiên tiếp theo để xem xét khả năng thị trường đã tạo đáy ở quanh ngưỡng 1.140 điểm hay chưa”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

Thị trường sẽ có quán tính tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 7/7, VN-Index xuất hiện mô hình nến ‘Piercing line’ tại vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm, cho tín hiệu đảo chiều tăng giá tại vùng đáy. Điều này cho thấy bên mua đang dần mạnh lên, và đà giảm có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, việc thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có quán tính tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện trong phiên giao dịch hôm nay 8/7, nhất là khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 đang đến gần. Trong phiên hôm nay, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.170 – 1.175 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.180 – 1.185 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS), chỉ số VN-Index đã lấy lại hơn 1/2 số điểm để mất ở phiên 6/7 đồng thời chốt phiên ở phía trên vùng đáy cũ. Thanh khoản thị trường giảm về mức thấp kỷ lục như hồi tháng 11/2020 không phải là trở ngại đối với thị trường lúc này. Sau một phiên giảm mạnh như 6/7 thì độ hồi của giá sẽ là tín hiệu được quan sát đầu tiên. Thanh khoản thấp trong khi chỉ số có phiên hồi mạnh như phiên 7/7 cho thấy áp lực bán đã giảm đi rất đáng kể hoặc có thể là tín hiệu cạn cung. Bên cạnh đó, tín hiệu từ thị trường phái sinh cũng có thể là cơ sở để nhà đầu tư đẩy giá trong phiên 7/7.

“Về kỹ thuật, một phiên hồi là chưa đủ dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm đã đảo chiều nhưng triển vọng hồi phục của chỉ số sẽ được củng cố trong bối cảnh chứng khoán thế giới đã tăng liền 3 phiên và các kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp niêm yết đang dần lộ diện. Do vậy, nhà đầu tư nên căn cứ theo diễn biến ở cổ phiếu riêng lẻ, mức chiết khấu cao có thể là cơ hội để mua gom chờ kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố”, chuyên gia của MBS nhận định.

Nguồn: vov.vn