10 tháng, các tập đoàn, tổng công ty thoái 2.415 tỷ đồng vốn ngoài ngành

 Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái 2.415 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành trong 10 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, quá trình sắp xếp các DNNN vẫn được cho là “còn chậm”.

10 tháng, các tập đoàn, tổng công ty thoái 2.415 tỷ đồng vốn ngoài ngành

Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền gửi đến Quốc hội ngày 25/11.

Số vốn đã thoái nói trên - cụ thể là tại 5 lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản - chiếm 7,5% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành tại thời điểm cuối năm 2013 của các tập đoàn, tổng công ty, cũng theo Báo cáo.

Tại lĩnh vực có số vốn đầu tư lớn nhất là ngân hàng - tài chính, số vốn đã thoái của 9 tháng đầu năm là 2.030 tỷ đồng - bằng 14,3% số vốn đầu tư tại thời điểm đầu năm nay. Trong khi đó, lĩnh vực được đầu tư lớn thứ hai là bất động sản không có số liệu về số vốn đã thoái trong thời gian này.

Giá trị này gấp 2,4 lần số vốn mà các công ty mẹ đã thoái được trong năm 2013, cũng theo Báo cáo. Trong năm 2013, khối DN này đã thoái 708 tỷ đồng đầu tư tại lĩnh vực ngân hàng - tài chính, 155 tỷ đồng tại lĩnh vực bất động sản và 123 tỷ đồng tại lĩnh vực bảo hiểm.

Về con số DNNN được sắp xếp, đã có 75 DN được cổ phần hóa trong 10 tháng đầu năm, cao hơn con số 74 DN của cả năm 2013. Tuy nhiên, khi mà từ nay đến hết năm 2015, vẫn còn 361 DN phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, quá trình sắp xếp này được đánh giá là “còn chậm”.

“Việc thực hiện lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn chậm so với kế hoạch đặt ra”, Báo cáo viết. “Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế tăng trưởng thấp nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính; TTCK, bất động sản chưa ổn định và tăng trưởng nên việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa còn chậm, chưa thực hiện được”.

Lợi nhuận tăng 17% trong năm 2013

Theo báo cáo, nhóm tập đoàn, tổng công ty đã tăng 17% lợi nhuận trong năm 2013 lên mức 171.670 tỷ đồng, dù doanh thu chỉ tăng 1% lên 1,6 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của nhóm này đã tăng 10,8% lên 2,6 triệu tỷ đồng.

Trong số đó, các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận đạt cao chủ yếu là những DN có quy mô lớn. Một số có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt cao như Tập đoàn Viễn thông Quân đội đạt tỷ lệ 42,7%, Tổng công ty Khánh Việt 32,4%, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam 20,1%...

Ngược lại, Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm 28% doanh thu và giảm 46% lợi nhuận, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giảm 68% doanh thu và giảm 60% lợi nhuận, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 63% doanh thu và lợi nhuận giảm 31%. Đặc biệt, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng dù tăng 29% doanh thu, nhưng lợi nhuận sụt giảm 67%.

Về con số tuyệt đối, một số tập đoàn, tổng công ty có lỗ lớn trong năm 2013 là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 6.900 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 218 tỷ đồng. Những công ty lỗ lũy kế lớn là Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam lỗ lũy kế 19.100 tỷ đồng, Tổng công ty lắp máy Việt Nam lỗ 346 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy 290 tỷ đồng…

Ngược lại với nhóm tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty MTV độc lập trực thuộc Bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh lại giảm 4,6% lợi nhuận trước thuế, xuống 9.900 tỷ đồng; bất chấp doanh thu tăng 5,5% (lên 134.000 tỷ đồng) và tổng tài sản tăng 33% (lên 229.000 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu tăng 10,3% (lên 103.000 tỷ đồng).

Nhóm thứ ba là nhóm các DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước có kết quả khá khả quan trong cùng năm: lợi nhuận trước thuế tăng 6% so với năm 2012 (lên 11.300 tỷ đồng), doanh thu giảm 1% (xuống 337.000 tỷ đồng). Tổng tài sản của nhóm này tăng 6% (lên 215.000 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu tăng 4% (lên 64.700 tỷ đồng).

Nợ khó đòi tăng cao

Lợi nhuận tăng khá, nhưng khối tập đoàn, tổng công ty lại đang chứng kiến nợ phải thu khó đòi tăng mạnh: tăng 15,8% so với năm 2012 lên 10.300 tỷ đồng. Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như Công ty mẹ -Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 (tỷ lệ 73%), Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (64,7%), Công ty mẹ -Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (58,4%), Công ty mẹ -Tổng công ty Xây dựng và Phát triển nông thôn (54,4%) và Công ty mẹ -Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (54,8%).

Một số công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu “đang ở mức rất cao” theo đánh giá của Báo cáo là Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (59%), Công ty mẹ Tổng công ty Chè Việt Nam (59%), Công ty mẹ -Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án HTGT Cửu Long (72,2%).

Tại các tập đoàn lớn, nợ khó đòi của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 3.856 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam là 890 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam là 678 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 417 tỷ đồng.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}