Ai giúp nhà đầu tư tính lợi nhuận để… nộp thuế?

 Khảo sát của ĐTCK cho thấy, hiện không có tổ chức nào có đủ khả năng giúp nhà đầu tư chứng khoán (cá nhân) tính được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư để nộp thuế thu nhập theo phương thức thu trên thu nhập.

Ai giúp nhà đầu tư tính lợi nhuận để… nộp thuế?

100% nhà đầu tư chứng khoán vẫn sẽ phải nộp thuế theo phương thức thuế khoán, dù Nghị quyết của Chính phủ mới đây khẳng định, nhà đầu tư được quyền chọn lựa cách nộp thuế.

Thiếu căn cứ pháp lý cho việc tự quyết toán thuế

Bà Nguyễn Thu Th. là một nhà đầu tư lớn và lâu năm trên TTCK. Danh mục của bà có 24 loại cổ phiếu, trong đó có một nửa là các "hàng nóng", bà lướt sóng tận dụng cơ hội ăn chênh lệch giá hàng giờ, hàng phút trên thị trường. Phần còn lại bà xác định đầu tư dài hạn, nhưng sẽ bán ra hoặc mua thêm bất kỳ lúc nào xuất hiện tin mới, có thể ảnh hưởng đến giá trị tài sản chứng khoán mà bà đang có.

Trao đổi với ĐTCK, bà cho biết, CTCK cứ "trừ ngoéo" đi thuế thu nhập của bà mỗi lần giao dịch, chẳng cần biết lãi hay lỗ. Với mức thu 0,1% trên giá trị giao dịch, có tháng, bà đã phải nộp cả trăm triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân.

Vậy có năm nào bà đi quyết toán thuế chưa? Bà chia sẻ, có muốn làm cũng đành chịu. Không CTCK nào giúp bà tính ra thu nhập chịu thuế, còn cá nhân bà, với tần suất giao dịch thường xuyên và rất lớn (60 - 100 tỷ đồng/tháng), bà không biết cách nào chứng minh được thu nhập chịu thuế hợp pháp để được quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Không riêng bà Th, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, tất cả nhà đầu tư cá nhân hiện nay đều chưa thể nộp thuế trên thu nhập, do thiếu các quy định pháp lý từ phía cơ quan thuế và thiếu sự kết nối cũng như những hướng dẫn pháp lý cho các CTCK hỗ trợ NĐT tính ra khoản thu nhập/năm để "trình bày" với cơ quan thuế về việc này.

Về phía cơ quan thuế, văn bản hướng dẫn về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ làm căn cứ cho việc quyết toán thuế là Thông tư 153/2010/TT-BTC. Tuy nhiên, thông tư này không đề cập quy chuẩn hóa đơn để quyết toán thuế với nhà đầu tư chứng khoán. Với hình thức giao dịch điện tử, nhà đầu tư chứng khoán chỉ có bảng sao kê giao dịch do CTCK cung cấp, nhưng hiện nay, bản sao kê này chưa được cơ quan thuế coi là chứng từ hợp lệ để quyết toán thuế cho nhà đầu tư.

Với CTCK, việc cung cấp bản giao kê giao dịch/tài khoản cho nhà đầu tư công ty nào cũng làm được, nhưng không có công ty nào tự tin khẳng định, sẽ giúp nhà đầu tư tính được lợi nhuận từ hoạt động giao dịch trên thị trường.

Lý do: giao dịch của nhà đầu tư diễn ra liên tục, cổ phiếu ra vào danh mục nhà đầu tư thường xuyên, vậy một câu hỏi đơn giản: nguyên tắc nào là hợp pháp để tính giá vốn với mỗi loại cổ phiếu để từ đó tính ra dòng lợi nhuận hợp pháp để nộp thuế? Hiện nay, Bộ Tài chính mới quy định nguyên tắc tính giá vốn với các pháp nhân để làm căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Với cá nhân, đây là việc hoàn toàn bỏ ngỏ.

Khảo sát của ĐTCK tại các CTCK lớn cho cùng một thông điệp: việc tính lãi lỗ của nhà đầu tư cá nhân trên TTCK rất phức tạp, CTCK không đủ căn cứ pháp lý để tính và nhiều công ty cho biết, việc này vượt quá khả năng xử lý của hệ thống giao dịch.

Tại CTCK MBS, trong phần mềm giao dịch Stock24 của MBS có tiện ích đánh giá lỗ/lãi cho từng mã chứng khoán trong tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng bán chứng khoán đi, phần mềm sẽ không hiển thị phần trăm lãi lỗ nữa.

Theo MBS, việc tính lãi lỗ trong cả năm với nhà đầu tư rất phức tạp, tiện ích hiện nay chỉ hỗ trợ khách hàng quản lý quản lý tài sản của mình, chứ không thể tính hết được con số cả năm.

Tại CTCK HSC, hệ thống có chức năng hỗ trợ tính từ đầu chu kỳ giao dịch (đầu năm) đến nay. Tuy nhiên, HSC cho biết, đây là cách tính riêng của Công ty, chỉ mang tính tham khảo, không thể dùng để chứng minh pháp lý cho việc nộp thuế.

Tại CTCK VPBS, tìm hiểu của ĐTCK được biết, hiện Công ty chưa có hệ thống giúp nhà đàu tư tính lỗ, lãi trong giao dịch, nhưng trong dự kiến, Công ty đã tính đến việc sẽ trang bị hệ thống này.

Cũng theo VPBS, nếu nhà đầu tư muốn nộp thuế trên thu nhập thì phải đăng ký hình thức nộp thuế trước với cơ quan thuế, nhưng CTCK vấn phải tạm thu 0,1% và đến hết năm thì nhà đầu tư sẽ lấy các chứng từ xác nhận đã tạm nộp thuế tại CTCK để tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế. Cách ứng xử của VPBS cũng là cách làm chung của các CTCK trên thị trường.

Bài toán hóc búa: tính lợi nhuận cả năm

Ngày 25/8/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Liên quan đến thuế chứng khoán, Nghị quyết khẳng định, nhà đầu tư cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết toán; hoặc tính, nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế.

Nghị quyết trên một lần nữa khẳng đinh, nhà đầu tư được quyền chọn lựa phương pháp nộp thuế và nếu chọn theo hình thức chịu thuế trên thu nhập thì lẽ tất yếu trong năm kinh doanh lỗ, nhà đầu tư sẽ được hoàn lại số tiền thuế đã bị tạm khấu trừ (cứ giao dịch chứng khoán là CTCK tạm khấu trừ thuế ở mức 0,1% giá trị giao dịch).

Tuy nhiên, để chính sách thuế đi vào cuộc sống đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng nêu trên, đồng thời được đề cập tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) còn nhiều việc phải hoàn thiện.

Về phía UBCK, trong báo cáo công tác 6 tháng đầu năm nay đã ghi rõ, cơ quan này sẽ “sớm nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tính thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn, đảm bảo tính khả thi theo hướng nhà đầu tư có thể lựa chọn cách tính thuế trên thu nhập chịu thuế cả năm”. Tuy nhiên, UBCK hiện không đặt ra thời hạn cụ thể cho việc hoàn thành công việc này.

Về phía cơ quan thuế, bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính sắp tới sẽ ban hành một văn bản hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ được coi là hợp pháp khi thực hiện quyết toán thuế.

Theo dự kiến, với văn bản mới, cơ quan thuế sẽ chấp nhận cả giấy mua hàng trong siêu thị, phiếu thu tiền điện, nước, điện thoại, bảng kê lương, thưởng… là chứng từ hợp lệ để quyết toán thuế. Khi văn bản này ra đời, sao kê giao dịch/tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán hiện nay chưa được coi là chứng từ hợp pháp để quyết toán thuế, thì trong tương lai sẽ là chứng từ hợp pháp để làm việc này.

Khi UBCK, Tổng cục thuế và Bộ Tài chính nhiệt tâm vào cuộc, triển vọng được nộp thuế trên thu nhập hàng năm với nhà đầu tư cá nhân là có thể. Tuy nhiên, để đi đến việc này, ngoài việc lấp khoảng trống pháp lý về chứng từ hợp lệ quyết toán thuế và hạ tầng công nghệ để kết nối các CTCK khi 1 nhà đầu tư có tài khoản tại nhiều CTCK, bài toán khó nhất là làm thế nào định vị ra nguyên tắc tính lợi nhuận trong năm của nhà đầu tư cá nhân.

Giải bài toán này như thế nào trong bối cảnh TTCK hiện có trên 1 triệu tài khoản đầu tư cá nhân, mỗi nhà đầu tư lại được mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK, dòng tiền vào ra liên tục với danh mục có nhiều loại cổ phiếu, được mua, bán tại nhiều thời điểm, với nhiều loại mức giá theo thị trường…? Câu hỏi này chờ đợi những bộ óc thông minh của các chuyên gia đầu ngành thuế và chứng khoán.

Tường vi

{fcomment}