Ba thói quen nhiều người trẻ Việt đang 'bức tử' dạ dày

Ảnh minh họa.

Tới khám tại Bệnh viện bạch Mai vì cả tháng thường xuyên đau bụng kèm theo ợ chua, Nguyễn Mai Anh 21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 ở Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày nặng. Dịch dạ dày đục và không có vi khuẩn HP. Khi hỏi ra, Mai Anh cho biết cô thường xuyên ăn uống thất thường. Buổi sáng đi học không ăn uống gì, đi học tới 12h trưa thì ăn vội vàng rồi đi ngủ, chiều lại đi học tiếp.

Buổi tối Mai Anh lúc ăn chỗ này, chỗ kia có lúc ăn sớm có khi đi làm gia sư đến 10h khuya mới về để ăn tối. Thói quen này chính là cách khiến dạ dày hoạt động lỗi nhịp và gây ra viêm loét dạ dày.

GS Mai Trọng Khoa – Nguyên Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay tình trạng viêm loét dạ dày ở người trẻ khá phổ biến thậm chí ở học sinh cấp 2 đã bị viêm loét dạ dày. Thói quen này được chỉ ra thủ phạm đó là cách ăn uống.

Hiện nay thực phẩm ăn nhanh đa dạng nên bạn trẻ cũng ăn uống đa dạng hơn mà quên rằng thói quen này có thể gây hại cho dạ dày của mình. Nhiều bạn trẻ ăn sáng bằng nước ngọt có gas, hay ăn những thức ăn khó tiêu hóa làm gia tăng áp lực lên dạ dày nên lâu ngày gây viêm loét dạ dày.

GS Nguyễn Khánh Trạch.

GS Nguyễn Khánh Trạch – Bệnh viện An Việt – Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dạ dày đang là bệnh phổ biến ở nước ta. Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày nhưng hiện nay, bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng thì rất nhiều, nhưng có thể tổng kết lại trong một số nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất: Ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng thói quen này khá phổ biến đặc biệt là giới trẻ. Sử dụng các thực phẩm cay, các chất kích thích dạ dày như rượu bia sẽ gây ức chế sự tạo thành của chất nhầy niêm mạc, hơn nữa rượu bia còn kích thích tiết ra nhiều acid dịch vị có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Vậy nên tốt nhất hãy tránh xa rượu bia, thực phẩm cay nhiều ớt, tiêu để dạ dày được bảo vệ tốt hơn.

Sở thích ăn nhiều đồ chua, ăn ngay cả khi còn đối bụng là thói quen có thể nhanh chóng phá hủy niêm mạc dạ dày của bạn vì các đồ ăn, đồ uống có vị chua là môi trường acid. Nếu ăn quá nhiều đồ chua sẽ làm tăng acid dịch vị dạ dày gây phá hủy niêm mạc, tổn hại dạ dày.

Thứ hai: Ăn vội vàng, nhai không kỹ là thói quen của mỗi người và theo GS Trạch thói quen này nên sửa dần để không khiến dạ dày vất vả. Khi ăn quá nhanh thì thức ăn sẽ không được xử lý kỹ và dễ gây hại tới niêm mạc dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đau dạ dày nguy hiểm cho sức khỏe. Khi ăn nên nhai thật kỹ để vừa tốt cho dạ dày, vừa đảm bảo việc tiêu hóa diễn ra thuận lợi, trơn tru.

Thứ ba: Rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu. Công việc bận rộn khiến bạn quên ăn uống, thói quen bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ giấc sẽ làm hại tới dạ dày. Lý do được cho là dạ dày tự hình thành cơ chế tiết dịch dạ dày để tiêu hóa thức ăn theo đúng giờ, nếu bỏ bữa hoặc ăn uống không đúng giờ làm acid dịch vị tiết ra nhiều nhưng không có thức ăn để tiêu hóa, hàm lượng acid dịch vị càng nhiều sẽ phá hủy niêm mạc dạ dày gây viêm loét, nguy cơ hình thành biến chứng về sau.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, cho biết nguyên nhân nữa gây viêm loét dạ dày mãn tính đó là do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày và các biến chứng loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.


Nguồn: Báo Infonet