Bài toán vốn cho công nghiệp hỗ trợ: không dễ giải

 Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được Nhà nước, Chính phủ quan tâm với có những cơ chế, chính sách để phát triển, nhưng tình hình không mấy cải thiện. Vấn đề được nói đến rất nhiều là thiếu vốn và cũng đã được Nhà nước đứng ra hỗ trợ nhưng bài toán vẫn chưa có lời giải thực sự.

Bài toán vốn cho công nghiệp hỗ trợ: không dễ giải

Tại Hội thảo “Giải pháp tài chính và hạ tầng - phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Hiệp hội DN ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa phía Bắc, Ngân hàng TPBank phối hợp tổ chức, đại diện cho Công ty TNHH Kim loại màu Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc chia sẻ, bên cạnh cơ sở hạ tầng quy chuẩn và các chương trình kết nối, hợp tác cung - cầu với các bạn hàng trong nước và quốc tế, DN mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư dài hạn để có thể thực hiện được những mục tiêu, kế hoạch sản xuất ổn định, lâu dài, nhằm phát triển bền vững.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhận định, lúc này, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguồn vốn cho DN CNHT có ý nghĩa rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đào Dung Anh, Phó tổng giám đốc VDB cho biết, tại VDB, ưu đãi đối với việc phát triển CNHT được ban lãnh đạo rất quan tâm nhưng còn không ít vướng mắc.

Việc vay vốn tín dụng đầu tư được quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011. “Nhưng, từ khi Quyết định này được ban hành đến nay, VDB chưa nhận được một dự án CNHT nào đề nghị vay vốn”, bà Dung Anh nói.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu là Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011, các dự án thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định của Nghị định 75, trong khuôn khổ của cuộc hội thảo “giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành CNHT thủ đô”, Hà Nội không thuộc đối tượng ưu đãi về địa bàn. Đồng thời, dự án CNHT cũng không thuộc danh mục quy định của Nghị định 75. Như vậy, hiện không có ưu đãi về tín dụng đầu tư đối với các dự án CNHT. Việc ưu đãi trong lĩnh vực CNHT chỉ dành cho các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu CNHT, khu công nghệ cao thuộc nhóm A, B.

“Ưu đãi của VDB với ngành CNHT chưa có gì khác biệt so với DN khác được vay vốn tín dụng tại VDB ở chỗ lãi suất không thấp hơn. Trước đây, có ưu đãi rõ ràng với một ngành cụ thể như dệt may, cơ khí với lãi suất chỉ 3%/năm, khi đó lãi suất chung là 10%/năm… Trong khi đó, điều kiện tín dụng của DN phát triển ngành CNHT hiện không khác với các ngành khác”, bà Dung Anh chia sẻ thêm.

Báo cáo tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tính đến ngày 28/8 cho biết, dự kiến tổng dư nợ tín dụng đạt 918.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 31/7, trong đó có thống kê dư nợ của tam nông, DN vừa và nhỏ, bất động sản, xuất khẩu… nhưng không có dư nợ cho vay CNHT dù đây là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nhà nước, Chính phủ.

Tại hội thảo, VDB và TPBank cũng đã giới thiệu các chính sách, chương trình ưu đãi dành cho DN CNHT. Lãnh đạo TPBank cho biết, phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển ngành CHNT là một trong 4 ưu tiên trong chiến lược hoạt động của TPBank. Đại diện TPBank đã ký kết hợp đồng cung cấp tín dụng ưu đãi cho một số DN và VDB cũng trực tiếp nhận hồ sơ vay vốn từ HANSIBA và DN hội viên, cam kết xử lý và giải ngân nhanh chóng.

“Sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần còn quá ít ỏi và để cho DN CNHT vay vốn thực sự là một ‘địa chỉ đỏ’, thu hút các tổ chức tín dụng tham gia không phải là việc dễ”, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.

Nhuệ Mẫn

{fcomment}