Bất động sản khu Đông Sài Gòn có tạo sóng?

 Theo tính toán sơ bộ, đến hết tháng 7/2015, số tiền đổ vào hạ tầng và bất động sản phía Đông Sài Gòn lên tới 8 tỷ USD. Nhiều khả năng, con số này chưa dừng lại khi Sân bay Long Thành được khởi công xây dựng. Liệu với sự phát triển của hạ tầng, bất động sản khu Đông Sài Gòn có tạo sóng trong thời gian tới?

Bất động sản khu Đông Sài Gòn có tạo sóng?

Đổ xô về khu Đông

Cuối năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, thị trường bất động sản TP. HCM ghi nhận sự đổ xô của giới đầu tư về khu Đông với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Khang Điền, Đất Xanh, Nhà Thủ Đức… Bên cạnh đó, còn phải kể đến các siêu dự án như Khu đô thị Thủ Thiêm, Vinhome Central Park, Sa La. Dự kiến, có khoảng 40.000 căn hộ và 300.000 m2 sàn thương mại của khu Đông sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới.

Việc nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản khu Đông thời gian qua là điều dễ hiểu. Bởi vì, khu vực phía Đông TP. HCM được đầu tư hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng, kết nối với các quận, huyện khác và khu trung tâm Thành phố, như hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Đại lộ Mai Chí Thọ, Metro Bến Thành - Suối Tiên… Cơ sở hạ tầng phát triển đã kéo theo nhiều dự án bất động sản “ăn theo” mọc lên ở khu vực này.

Nhiều dự án mở bán khu vực này cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng, nhất là với những người khá giả, muốn tậu cho gia đình mình một chốn nghỉ ngơi cuối tuần mà không phải đi quá xa.

Các trung tâm thương mại đã, đang và sẽ mọc lên ở đây cũng sẽ là điểm cộng về tiện ích, để thu hút những người có nhu cầu về nhà ở chọn khu Đông làm nơi an cư.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, giao thông thuận tiện, cộng thêm tuyến metro đang tác động lớn đến thị trường bất động sản khu Đông và các trung tâm mua sắm tại khu này. Trong tương lai, khu Đông sẽ hút một lượng dân cư lớn đến sinh sống.

Khó tạo sóng

Dù có nhiều lợi thế về hạ tầng, nhưng nhìn một cách tổng quan, so với khu vực liền kề nội đô TP. HCM, hay thị xã Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), thì bất động sản khu vực này chưa hẳn đã là lợi thế, nhất là với các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, lượng vốn 3 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng khu Đông là chưa đủ, vì khu vực này cần nhiều tuyến đường kết nối vào các trục giao thông huyết mạch của Thành phố. Ngoài ra, giá đất thô cư ở khu vực này cũng tương đối rẻ, nên các dự án bất động sản thương mại cũng sẽ bị cạnh tranh khá gay gắt.

Chị Đại - nhân viên của một công ty may cho biết, chị mua một mảnh đất 80 m2 tại quận 9, khu đông dân cư mất 400 triệu đồng, xây nhà 1 tấm có xép hết 400 triệu đồng, nên không dại gì đi mua chung cư 60 m2 có giá tiền tương đương. Tuy nhiên, chị vẫn không ưng ý với chỗ ở của mình, vì từ chỗ ở tới chỗ làm khá nguy hiểm khi tham gia giao thông trên cung đường này.

“Nhà máy của công ty tôi ở một khu công nghiệp tại Bình Dương, trên đường đi làm, xe container tạt ầm ầm mà hết hồn. Biết giao thông thế này, thì tôi đã mua nhà ở Bình Dương cho tiện và an toàn”, chị Đại nói và cho biết, khu chị ở toàn gia đình công nhân với công chức, phương án của họ là mua đất làm nhà chứ không lựa chọn chung cư.

Đầu tư Bất động sản đã có cuộc khảo sát sơ bộ tại một số điểm đông người cư trú tại quận Thủ Đức và quận 9 cũng cho thấy, phần lớn trong số họ là công nhân trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên và một số dân lao động tự do. Các dự án bất động sản sẽ khó nhắm vào các đối tượng này. Còn với những người có nhu cầu nhà ở và có thu nhập khá, thì có thể đất thổ cư là một lựa chọn.

Một vòng quanh 2 quận trên cho thấy, vẫn còn bạt ngàn các khu đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Tại quận 9, nhiều nơi còn hoang vu cho người đối diện cảm giác của một vùng sông nước miền Tây.

Với bối cảnh trên, bất động sản khu Đông có thể có sức hút với nhiều người có nhu cầu mua để ở, nhưng sẽ khó cho các nhà đầu tư và do đó, khó có thể nóng lên đột biến như kỳ vọng của nhiều người.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán