Chi trả nhiều tiền để mua hàng hiệu ở những bên phân phối có tiếng, người chơi túi xách, quần áo đắt tiền ở Hàn Quốc vẫn hoang mang, tự hỏi món đồ của mình liệu có phải hàng fake.
Nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ trong đại dịch Covid-19 đã bùng nổ tại Hàn Quốc. Không chỉ các cửa hàng chính hãng thu lợi, các kênh mua sắm xa xỉ trực tuyến mới nổi cũng bước chân vào cuộc chơi này, theo Korea Times.
Tuy nhiên, chất lượng của hàng hiệu được bán online đang bị đặt dấu hỏi, khi các khiếu nại, phàn nàn ngày càng tăng lên, theo các nhà quan sát trong ngành và các nhóm vận động người tiêu dùng Hàn Quốc.
Khi nhu cầu hàng hiệu tăng đột biến, việc trộn lẫn bán hàng giả với hàng thật đang khiến người tiêu dùng Hàn Quốc hoang mang. Ảnh: Korea Times.
Tranh cãi nổi lên vào hồi tháng 1, khi KREAM - nền tảng bán, nhượng đồ thuộc sở hữu của Naver, cho rằng Musina đang bán hàng nhái lại quần áo của hãng Essentials.
Musina là nền tảng thời trang lớn nhất tại Hàn Quốc, với tổng giá trị hàng hóa vượt mốc 2.000 tỷ won vào năm 2021. Viện thẩm định hàng xa xỉ Hàn Quốc xác nhận rằng không thể xác thực các sản phẩm được bán trên Musina do thiếu dữ liệu.
Nhiều khách hàng hiện bắt đầu nghi ngờ về chất lượng của những món đồ hiệu được rao bán trên Internet. Đa số cho biết họ không bao giờ ngờ tới việc mua phải hàng giả vì ngầm tin tưởng những bên phân phối lớn luôn đáng tin cậy.
“Tôi đã mua khoảng 10 triệu won hàng hiệu qua mạng trong năm ngoái và hiện nghi ngờ một vài món trong số chúng là hàng giả. Song, quá trình kiểm tra tính xác thực quá phức tạp và tốn kém chi phí”, một người tiêu dùng tên Kim (34 tuổi), cho biết.
“Tôi mua qua kênh online của các trung tâm thương mại vì họ bán sản phẩm rẻ hơn các cửa hàng chính hãng. Việc kiểm tra lại đồ đã mua là thật hay fake sẽ khiến tôi mất số tiền tương đương số phải bỏ ra để mua trực tiếp ở cửa hàng”, Kim nói thêm.
So với các cửa hàng chính hãng, các gian hàng bán đồ hiệu trên mạng thường có mức giá "mềm" hơn. Ảnh: Reuters.
Jeon, một nhân viên văn phòng 32 tuổi, nói cô thích tậu hàng hiệu qua mạng vì có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, các tranh cãi gần đây đã khiến cô suy nghĩ lại và quay trở lại các cửa hàng trực tiếp.
“Tôi không muốn mạo hiểm khi mua những chiếc túi xách, quần áo đắt tiền khi không chắc chúng có phải hàng thật hay không, chỉ vì chúng rẻ hơn. Tôi đã chi trung bình 3 triệu won cho một chiếc túi xách và không muốn dùng đồ fake chỉ để tiết kiệm 300.000 won”, Jeon nói.
Trên thực tế, rất khó để phân biệt hàng hiệu là thật hay giả, ngoại trừ các thương hiệu đã rất nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton và Hermes. Trong trường hợp của Essential, phân nhánh thuộc thương hiệu đường phố sang phố Fear of God, các mặt hàng đều thiếu dữ liệu để chứng thực.
Các thương hiệu xa xỉ cũng từ chối kiểm tra tính xác thực của các sản phẩm bị cho là đồ giả được bán online tại Hàn Quốc.
Các bên bán online tại địa phương không nhập hàng xa xỉ trực tiếp từ trụ sở của thương hiệu. Thay vào đó, họ ký hợp đồng với các nhà bán lẻ thứ hai hoặc thứ ba ở châu Âu.
Một số bán các sản phẩm được mua dưới danh nghĩa cá nhân tại các cửa hàng ở Paris (Pháp), Milan (Italy) hoặc New York (Mỹ). Điều này khiến các công ty xa xỉ trực tuyến khó kiểm tra tính xác thực của sản phẩm.
Quy mô của thị trường xa xỉ trực tuyến ở xứ kim chi đã tăng đáng kể trong năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa từ 3 nền tảng bán đồ hiệu online hàng đầu tại Hàn Quốc đạt 1.000 tỷ won, tăng gấp 10 lần so với năm 2020.
Nguồn: https://zingnews.vn/bay-do-hieu-nhai-khi-mua-online-o-han-quoc-post1299229.html
-
4 tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ trên 83.000 tỷ đồng xây Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
-
Bác sĩ kể quá trình điều trị cho bệnh nhân thứ 18
-
iPhone SE 2022 có nguy cơ bị 'ế' tại Việt Nam
-
Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 1/11
-
Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tại Hà Nội tăng giá nhẹ
-
Chú ngựa làm biếng nhất thế giới, cứ ai xông lên đòi cưỡi là lăn ra giả chết
-
Phó Chủ tịch UBCK: Quỹ ETF sẽ thay đổi hành vi nhà đầu tư nhỏ lẻ
-
Nên xem phong thủy vợ chồng cùng tuổi như thế nào?
-
100 sinh viên đầu tiên trúng tuyển có điều kiện vào ĐH Ngoại ngữ Hà Nội
-
CEO bảo hiểm trước áp lực tham vọng của các ông chủ