Đầu tuần này (ngày 4/5/2015), Cisco Systems, tập đoàn công nghệ cao chuyên sản xuất thiết bị Internet, hệ thống an ninh và giải pháp mạng của Mỹ đã thông báo, ông John Chambers, 65 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) hơn 20 năm qua (từ tháng 1/1995 đến nay) sẽ chính thức rời bỏ vị trí lãnh đạo để lui về hậu trường, chỉ làm Chủ tịch chuyên lo về chiến lược và các công việc ít chịu sức ép điều hành hàng ngày hơn.
Ông sẽ chính thức rời chức CEO kể từ ngày 26/7/2015.
Người kế nhiệm ông là ông Chuck Robbins, 49 tuổi, có thâm niên 18 năm làm việc cho Cisco Systems (từ năm 1997) và hiện phụ trách mảng bán hàng toàn cầu của Tập đoàn. Báo giới lẫn giới đầu tư đều tỏ ra không quá quan tâm đến vị CEO mới, mà chỉ tập trung nói về ông John Chambers, không chỉ với tư cách là “cây đa, cây đề” ở Cisco Systems nói riêng, mà cả ở lĩnh vực công nghệ cao quốc tế nói chung.
Ông cũng là một trong số rất ít CEO có thời gian trị vì dài nhất ở thung lũng Silicon, vì thế, có tờ báo đã rút tít ví ông là “người Mohican cuối cùng” của làng công nghệ cao Mỹ.
Xét một cách thật khách quan và sòng phẳng, thì ông John Chambers chính là người có công lớn nhất đưa Cisco Systems từ một công ty tầm tầm bậc trung trở thành tập đoàn chuyên cung cấp thiết bị công nghệ cao, kết nối Internet (server, router…) hàng đầu thế giới (có doanh thu gần 50 tỷ USD/năm và vốn hóa thị trường hiện là 149 tỷ USD).
Trong vòng 20 năm dưới sự lãnh đạo của ông John Chambers, giá cổ phiếu của Cisco Systems đã tăng tới 1.470%, một con số khủng, đầy ấn tượng; doanh thu của Tập đoàn cũng tăng từ mức 1,2 tỷ USD năm 1995 lên 47 tỷ USD năm 2014 và dự kiến là gần 50 tỷ USD năm nay. Có trụ sở chính ở San Jose, bang California (Mỹ), Cisco Systems hiện có 70.000 nhân viên làm việc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngay sau khi thông tin về ông được công bố, giá cổ phiếu của Cisco Systems tại Sở GDCK Nasdaq (New York) đã tăng nhẹ 0,4%, lên mức 29,24 USD/cổ phiếu.
Cho dù Cisco Systems lẫn các cổ đông đều tỏ ra nuối tiếc trước việc ông rời ghế CEO, song chính ông mới là người tự chọn thời điểm “hạ cánh” cho mình sao cho thật nhẹ nhàng và thanh thản nhất. Trong suốt hơn 20 năm qua, ông đã trực tiếp chứng kiến và nếm trải tình trạng “lên voi, xuống chó” của Cisco Systems; đã có không biết bao tin đồn về chuyện ông buộc phải rời ghế lãnh đạo một cách đường đột, song cuối cùng, tất cả đều là… tin thất thiệt.
Giờ mới là tin chính thức, chuẩn xác và thời điểm chọn cách rời ngai vàng của ông cũng nhẹ nhàng và ung dung khác thường, chẳng bị gắn với sự kiện nào đó, cũng chẳng vì kết quả kinh doanh thế này thế nọ. Ngày 13/5 tới mới là ngày công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 của Cisco Systems.
Trong vòng gần 1 năm qua, ông là CEO thứ hai nổi tiếng trong làng công nghệ cao của Mỹ và thế giới rời bỏ ngai vàng một cách khá nhẹ nhàng. Trước đó, tháng 9/2014, ông Larry Ellison, CEO Oracle, tập đoàn chuyên sản xuất phần mềm cho doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng có cuộc chia tay dễ chịu không kém.
Thiết nghĩ ở đây cũng nên nhắc lại những thời điểm “bĩ cực và thái lai” của Cisco Systems dưới thời trị vì của ông, để thấy hết tài chèo chống, sức chịu đựng, tính kiên định vững vàng theo nguyên tắc “thắng không kiêu, bại không nản” của ông.
Trong giai đoạn bùng nổ dot.com, có thời điểm, Cisco Systems là công ty có giá trị nhất thế giới với mức vốn hóa thị trường hơn 600 tỷ USD. Chính xác là vào ngày 27/3/2000, với giá cổ phiếu giao dịch ở mức 79,38 USD/cổ phiếu, Cisco Systems có giá trị vốn hóa thị trường đạt tới 619 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử tồn tại của Tập đoàn. Sau thời điểm này, Cisco Systems bắt đầu trượt dốc không phanh và suýt bị tiêu tan theo kiểu bong bóng.
Cụ thể, vào ngày 8/10/2002, giá cổ phiếu của Cisco Systems đã rơi xuống đáy, ở mức thấp nhất từ trước đến nay là 8,12 USD/cổ phiếu. Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông John Chambers đã có quyết định rất quả cảm và sáng suốt là cắt giảm ngay vài ngàn nhân viên, đồng thời tự nguyện không nhận mọi khoản tiền lương, thưởng trong năm 2002.
Ông chỉ nhận lương tượng trưng là 1 USD/năm. Ông là người đầu tiên có động thái có vẻ kỳ quặc này, song lại được một số lãnh đạo của các công ty khác ủng hộ và noi theo.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh, trong đời sống xã hội, ông cũng là người có chính kiến rất rõ ràng, khi hết lòng ủng hộ Đảng Cộng hoà (Mỹ). Năm 2008, ông là đồng Chủ tịch Tiểu ban vận động bầu cử cho ứng cử viên Đảng Cộng hoà (là thượng nghị sỹ John McCain), ông này đã thua cuộc trước Tổng thống đương nhiệm Barack Obama (Đảng Dân chủ).
“Tôi hoàn toàn không có ý định tham gia làm chính trị, bây giờ cũng như sau khi nghỉ hưu”, ông John Chambers tiết lộ.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Elon Musk từ “thử thách 1 USD” đến "đường tắt" thành tỷ phú
-
Để người dân vi phạm quy định giãn cách, lãnh đạo huyện bị phê bình
-
Phân biệt đá nhân tạo gốc thạch anh Empirestone thật - giả thế nào?
-
Suzuki GSX-R750 với gói độ nửa tỷ đồng tại TP.HCM
-
Địa ốc Hoàng Quân bán 50 triệu cổ phiếu cho 3 đối tác
-
Giá xăng dầu hôm nay 3/11: Giảm nhẹ, còn nhiều biến động
-
CEO Group được chấp thuận niêm yết trên HNX
-
Audi tái khẳng định sẽ phát triển Audi Q1 và Q8
-
Doanh nghiệp thép chật vật tìm lợi nhuận
-
Doanh nhân Phạm Việt Nga: Ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua