Chăn nuôi an toàn sinh học: 'Lá chắn thép' trước 'bão' dịch ở Hà Tĩnh

Từ 28/6 – 2/7, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện thêm 4 ổ DTLCP tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên); xã Sơn Tây (Hương Sơn); xã Phú Phong (Hương Khê).

Những ngày này, mặc dù DTLCP đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận, nhưng trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ của gia đình anh Nguyễn Nam Văn (xã Khánh Lộc, Can Lộc) vẫn phát triển tốt.

Anh Văn chia sẻ: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại khép kín; đàn lợn gần 60 con đã được tiêm phòng vắc -xin đầy đủ theo quy định và cho ăn đầy đủ theo chế độ. Đặc biệt, thời gian này, tôi tăng cường thêm khẩu phần ăn là các men vi sinh, nhiều hàm lượng khoáng chất và coi trọng công tác tự vệ sinh, tiêu độc khử trùng để đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn và hạn chế tiếp xúc với môi trường ngoài chuồng trại”.

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên, sạch sẽ, phun thuốc tiêu độc khử trùng... luôn được xem là biện pháp để đảm bảo sức khỏe đàn lợn.

Giữa “bão dịch”, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Sửu (xã Tân Lộc, Lộc Hà) vẫn phát triển ổn định, đảm bảo yêu cầu khi xuất chuồng.

Ông Sửu cho biết: “Vì chăn nuôi quy mô lớn nên trang trại đã tuân thủ triệt để các biện pháp an toàn sinh học theo các nguyên tắc cơ bản: Để đàn lợn phát triển trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; coi trọng nguồn gốc con giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tăng sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như: Diệt côn trùng, chuột, bọ, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày".

Chăm sóc tốt để tạo điều kiện cho đàn lợn phát triển khỏe mạnh, ổn định, kháng chịu được dịch bệnh xâm nhiễm.

Theo các chuyên gia, lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học là chủ động được trong phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là trong bối cảnh hiện nay do diễn biến dịch bệnh phức tạp, một số dịch bệnh rất dễ bùng phát (như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi…). Mặt khác, khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì sức đề kháng của lợn với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn, lợn khỏe mạnh hơn, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn.

Trên thực tế, trong thời gian qua, kể từ khi xảy ra bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, hầu hết hộ/cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch, đàn lợn phát triển ổn định.

Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt là một trong những bắt buộc để hạn chế dịch bệnh bùng phát tại hộ chăn nuôi.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: Chăn nuôi an toàn sinh học là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, bảo đảm cho vật nuôi được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh... Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% cơ sở, nên việc áp dụng phương thức chăn nuôi này trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, mới chỉ mới phát triển chủ yếu ở các trang trại quy mô vừa và lớn.

Ngoài ra, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Hơn nữa, nông dân vẫn giữ thói quen “nhớ đâu làm đó” hoặc dựa vào kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, con giống, tiêm vắc-xin, đầu tư thức ăn bài bản… dẫn tới nhiều hộ nhỏ lẻ còn lúng túng.

Các địa phương giáp ranh tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm dịch, hạn chế dịch lây lan trên diện rộng.

Vì vậy, cần tiếp tục khuyến khích, tuyên truyền thường xuyên cho người dân cũng như các chủ trang trại chuyển sang phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là trong khâu vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống, tiêm phòng, đầu tư thức ăn đạt tiêu chuẩn, tuyệt đối không sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt (chiếm đến 60% nguồn gây xâm nhiễm và lây lan DTLCP)…

Như vậy, chăn nuôi an toàn sinh học là cách hữu hiệu nhất để đối phó với DTLCP trong thời điểm hiện tại. Về lâu dài, còn giúp người chăn nuôi phòng ngừa nhiều loại bệnh dịch khác trên vật nuôi, duy trì ổn định đàn lợn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh