Chỉ đăng ký trên hệ thống thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng của thí sinh mới có ý nghĩa

Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa.

GS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn cho thí sinh và phụ huynh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022 vừa được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về nguyện vọng xét tuyển.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GD&ĐT) – chia sẻ: Khi thí sinh đăng ký một nguyện vọng vào trường mà mình yêu thích thì sẽ phải đăng ký luôn ngành đào tạo và phương thức nào mà học sinh đã nộp hồ sơ, tương ứng với mã ngành cụ thể.

Theo thứ tự, nguyện vọng nào thí sinh mong muốn nhất thì xếp lên đầu tiên, rồi đến nguyện vọng tiếp theo... cho đến hết số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì hệ thống quản lý xét tuyển của Bộ GD&ĐT sẽ chỉ xác định cho thí sinh đỗ 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa vì phần mềm sẽ tự động chạy lọc ảo để thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng được ưu tiên cao nhất theo đăng ký của thí sinh trên hệ thống này. Còn trước đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tại trường để các trường có danh sách trúng tuyển tạm thời và cập nhật lên hệ thống.

Thí sinh được tư vấn nhiệt tình tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022

Trước băn khoăn của một thí sinh muốn dự tuyển vào ngành kiến trúc và đây là ngành em yêu thích nhất; tuy nhiên thí sinh này lo lắng, khi hệ thống chạy lọc ảo sẽ "cho em trúng tuyển vào ngành khác"; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: Nếu thí sinh đã xác định được ngành mình yêu thích nhất và đặt nó ở vị trí số 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng này, chắc chắn thí sinh sẽ được tuyển vào ngành em yêu thích, không có chuyện bị tuyển chệch sang ngành khác.

Năm nay, nhiều trường dành ít chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, điều này khiến các thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn lo lắng vì sợ không thể cạnh tranh với các thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, hầu hết các cơ sở đào tạo đại học vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn.

Hiện chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác và có tới 90% các trường vẫn xét tuyển theo 2 phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, vì thế cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn.

“Ngoại trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết các trường khác đều có sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Không trúng tuyển vào trường này, các em vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi, đồng thời cho hay:

Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng nó chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn. Trong tương lai, có thể các cơ sở sẽ có những điều chỉnh có thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của mỗi trường nhưng năm nay thì cơ bản vẫn giữ ổn định.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chi-dang-ky-tren-he-thong-thi-viec-xep-uu-tien-cac-nguyen-vong-cua-thi-sinh-moi-co-y-nghia-a7PZa8lnR.html