Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ chạm mức kỷ lục trong 40 năm

Nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao và tình trạng này có khả năng còn kéo dài do ảnh hưởng của căng thẳng tại Ukraine.

Người dân mua hàng tại trung tâm thương mại ở New York, Mỹ, ngày 10/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá tiêu dùng tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 2/2022 trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao và tình trạng này có khả năng còn kéo dài do ảnh hưởng của căng thằng tại Ukraine.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Lao động Mỹ cho biết đây là mức gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng. CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng. Chỉ số này giúp đánh giá mức độ lạm phát của nền kinh tế.

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định sẽ tăng lãi suất - dự kiến vào tuần tới - để kiềm chế giá cả leo thang vốn là yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thị trường có thể phải đối mặt với một cú sốc về giá khác khi nhiều quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn trên thế giới.

Theo bà Kathy Bostjancic của công ty Oxford Economics, cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ như "đổ thêm dầu vào lửa" làm gia tăng lạm phát vốn đã tăng cao do giá cả hàng hóa cơ bản như năng lượng, thực phẩm vốn chịu nhiều áp lực về giá liên quan tới các vấn đề về chuỗi cung ứng sau dịch COVID-19.

Bà Bostjancic dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, song cho rằng "những điều không chắc chắn và cú sốc hiện tại đối với thị trường tài chính do ảnh hưởng tình hình địa chính trị tại Ukraine" sẽ khiến ngân hàng trung ương này tiếp cận một cách thận trọng.

Theo bà, giá dầu và khí đốt tăng vọt tiếp sau các lệnh trừng phạt Nga sẽ khiến lạm phát tăng cao gần chạm đỉnh, sau đó giảm dần trong năm 2022 với tốc độ chậm hơn so với dự báo.

Trong khi đó, chuyên gia Rubeela Farooqi của High Frequency Economics cho rằng khả năng chi tiêu của người dân Mỹ có thể bị ảnh hưởng trong bối cảnh nền kinh tế nước này phải đối mặt với cả lãi suất cao hơn và chi phí nhiên liệu tăng.

Nếu xung đột tại Ukraine tiếp diễn, cú sốc giá hàng hóa sẽ đẩy các chỉ số giá lên mức cao hơn nữa.

Giá cả tại Mỹ tăng cao do tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu và nhân lực, cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, giá cả tăng cao là một vấn đề và lạm phát hằng năm sẽ vẫn ở mức cao.

Bà tin tưởng Fed sẽ có những bước đi mang tính quyết định nhằm kéo lạm phát đi xuống./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/chi-so-gia-tieu-dung-tai-my-cham-muc-ky-luc-trong-40-nam/777581.vnp