Cho vay tiêu dùng: Miếng bánh nhiều người thèm...

 Thông tin Dự thảo Thông tư về cho vay tài chính tiêu dùng sắp ban hành và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 được cho là sẽ làm nóng trở lại cuộc cạnh tranh thành lập công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng.

Cho vay tiêu dùng: Miếng bánh nhiều người thèm...

Trong các mùa đại hội đồng cổ đông những năm trước và kể cả năm nay, hầu hết ngân hàng đều trình cổ đông thông qua việc hình thành hoặc mua lại một CTTC để chuyển đổi sang mô hình hoạt động cho vay tiêu dùng. Đơn cử tại Kienlongbank, HĐQT nhà băng này đã trình đại hội đồng cổ đông 2016 thông qua kế hoạch sẽ mua lại hoặc thành lập mới CTTC.

Theo lãnh đạo Kienlongbank, nếu Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC được ban hành chính thức sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khi họ không còn được trực tiếp cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước quy định. Đây là lý do để HĐQT Kienlongbank trình cổ đông thông qua kế hoạch thành lập mới hoặc mua lại CTTC, với tỷ lệ tham gia tối thiểu 51% vốn điều lệ của CTTC được mua lại. Tuy nhiên, đến nay, Kienlongbank cũng chưa có động thái mới cho kế hoạch nói trên.

Các ngân hàng như Nam A Bank, OCB, DongA Bank… cũng lên kế hoạch thành lập CTTC nhằm mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong kỳ đại hội đồng cổ đông những năm trước. Trong đó, OCB và DongA Bank sẽ thành lập CTTC mới.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, thị trường có những phân đoạn khách hàng khác nhau, bản thân khách hàng cũng cần những sản phẩm nhanh chóng, đơn giản hơn. Vì vậy, ngân hàng cũng cần có CTTC tiêu dùng để đáp ứng được nhu cầu và quản lý rủi ro. Thế nhưng, tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, HĐQT OCB không còn nhắc đến kế hoạch này, mà xin ý kiến cổ đông về việc thành lập Công ty Chuyển tiền quốc tế ngân hàng OCB với vốn điều lệ ban đầu là 25 tỷ đồng.

Trong các tờ trình cổ đông thông qua tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, Sacombank cũng lên kế hoạch thành lập CTTC với số vốn 500 tỷ đồng và công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng; công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện nay, đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được các ngân hàng chú trọng. Sacombank muốn chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ nên việc thành lập CTTC cho vay tiêu dùng là cần thiết. Vốn điều lệ của CTTC dự kiến là 500 tỷ đồng. Kế hoạch là như vậy, nhưng sau gần 2 năm, CTTC của Sacombank vẫn chưa có “bóng dáng”.

Trong khi đó, với kế hoạch thành lập mới hoặc mua lại CTTC dự kiến vốn điều lệ 500 tỷ đồng của ACB đang được nhà băng này thực hiện theo phương thức chuyển đổi công năng từ Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing). Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện những công đoạn cuối của kế hoạch chuyển đổi công năng ACB Leasing sang Công ty Tài chính ACB có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Trước Dự thảo Thông tư yêu cầu các khoản vay tiêu dùng nhỏ, lẻ phải qua CTTC và tiềm năng đối với hoạt động tín dụng này được đánh giá còn rất lớn, nhiều ngân hàng đang chạy đua mua lại, sáp nhập một số CTTC và chuyển đổi sang CTTC cho vay tiêu dùng như VPBank có CTTC trực thuộc FE Credit; HDBank có CTTC HDFinance đã bán 49% cổ phần cho Credit Saison… BIDV trở thành ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đầu tiên lên kế hoạch lập CTTC tiêu dùng. VietinBank cũng đã thông qua Đề án sáp nhập PGBank, trong đó, chuyển một phần PGBank thành CTTC PG Finance.

Thực tế cho thấy, với lãi suất cho vay tiêu dùng rất cao, có khi lên đến vài chục phần trăm một năm, đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, để thành lập được CTTC, không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng đủ điều kiện, chẳng hạn vốn điều lệ tối thiểu của một CTTC phải đạt 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nếu cổ đông sáng lập CTTC là ngân hàng thương mại thì phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, nếu là doanh nghiệp Việt Nam thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng; tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ… Nhưng tính đến thời điểm công bố số liệu gần nhất, có khoảng 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, việc các ngân hàng thương mại đua thành lập CTTC đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là xu hướng hợp lý nhưng cần kiểm soát chặt rủi ro. Trên thực tế, cách thức và mô hình cho vay tiêu dùng được nhiều ngân hàng triển khai là không phù hợp. Do đó, dù mua lại CTTC hay tự triển khai cho vay tiêu dùng, các ngân hàng cũng phải đánh giá lại cách thức và mô hình để có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán