Chủ tịch ECB: Các nước không nên đột ngột dừng gói hỗ trợ Covid-19

Bà Christine Lagarde, chủ tịch ECB - Ảnh: AP

Trước diễn biến đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm, nhiều chính trị gia lo ngại rằng các quốc gia sẽ vay mượn quá nhiều để thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mà bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lo ngại.

Trả lời phỏng vấn của CNN Business, bà Christine Lagarde cho biết mối lo lớn nhất của bà không phải là việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ tích lũy khối nợ khổng lồ, mà là các chính phủ rút lại các chương trình hỗ trợ việc làm và thu nhập Covid-19 "một cách thô bạo", không đúng thời điểm.

Chủ tịch ECB cho rằng các chương trình như vậy cần phải được rút lại "một cách từ từ" và "cẩn trọng".

"Đó là thời điểm mà tôi cho là khó khăn nhất, tế nhị nhất và cần phải xem xét, đánh giá kỹ", bà Lagarde nói.

Trong năm qua, các chính phủ đã tung ra những gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD để chống đỡ đòn giáng của đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, bên cạnh chương trình hỗ trợ chưa từng có từ các ngân hàng trung ương như ECB. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã thông qua gói phục hồi kinh tế 1.800 tỷ Euro ( 2.200 tỷ USD) và thông qua ngân sách để thúc đẩy nền kinh tế toàn khối khi đại dịch qua đi.

Tuy nhiên, bà Lagarde nhấn mạnh rằng kể cả khi nền kinh tế bắt đầu cải thiện và phục hồi ổn định, các chính phủ cũng không nên dừng các chương trình hỗ trợ quá sớm.

Trong báo cáo mới nhất công bố tháng 12/2020, ECB dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021 và trở lại mức GDP trước đại dịch vào giữa năm 2022. Bà Lagarde lưu ý rằng dự báo này phụ thuộc vào việc triển khai vaccine - hoạt động đang triển khai khá chậm tại EU.

Cuối tháng trước, một cuộc chiến đã nổ ra giữa các nhà lãnh đạo EU và AstraZeneca sau khi công ty sản xuất vaccine cho biết sẽ giao ít vaccine hơn cam kết.

"Chúng ta có nhiều vaccine hơn mỗi tuần. Vaccine đang được sản xuất và phân phối. Nhưng người dân vẫn chưa được tiêm vaccine", bà Lagarde nói. "Vì vậy, cần mất thêm thời gian nữa chúng ta mới đạt được miễn dịch cộng đồng, và điều này có thể không đạt được bởi chúng ta đang có những biến thể.

Chủ tịch ECB cho rằng một giải pháp khác là thực hiện các chương trình cứu trợ. Trong khi EU nới lỏng chính sách tài khóa, Brussels đang thay mặt các quốc gia gặp khó khăn như Italy, Tây Ban Nha vay tiền từ những nước thành viên EU phát triển hơn. Bà nhấn mạnh rằng "tiền phải được quay vòng trong năm 2021".


Nguồn: Báo t/h