Chủ tịch Ferrari mất chức vì bất đồng với sếp lớn

 Mới đây, Ferrari, hãng sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới của Italia đã chính thức thông báo, ông Luca Cordero di Montezemolo, 67 tuổi, Chủ tịch Hãng sẽ chính thức từ chức vào ngày 13/10/2014, sau gần 23 năm nắm giữ cương vị này.

Chủ tịch Ferrari mất chức vì bất đồng với sếp lớn

Thời điểm được chọn là ngày 13/10, bởi dự kiến đây cũng là ngày cổ phiếu của FIAT Chrysler Automotive, chính thức niêm yết tại Sở GDCK New York (Mỹ). FIAT, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Italia hiện nay chính là công ty mẹ của Ferrari (sở hữu tới 90% cổ phần của Ferrari).

Trước mắt, ông Sergio Marchionne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) FIAT sẽ tạm đảm nhiệm chức Chủ tịch Ferrari.

Tin đồn về ông Luca Cordero di Montezemolo bị mất chức đã được lan truyền “vỉa hè” nhiều tháng nay. Việc Ferrari, một trong những thương hiệu xe đua Công thức 1 (Formula 1) nổi tiếng nhất và có nhiều danh hiệu nhất đã trắng tay từ năm 2008 trở lại đây được coi là một lý do quan trọng.

Nhất là tại cuộc đua Formula 1 tại Monza (Italia) ngày 7/9 vừa qua, Ferrari lại thua đau ngay trên sân nhà, khi cả 2 tay đua của Hãng là Fernando Alonso (quốc tịch Tây Ban Nha) và Kimi Raikkonen (quốc tịch Phần Lan) đều không lọt vào tốp 3 đứng đầu. Vậy đây có thể là “giọt nước làm tràn ly” khiến Chủ tịch Ferrari phải khăn gói ra đi.

Tuy nhiên, theo một số người am hiểu nội tình, thì thất bại của Ferrari trên đấu trường thể thao chỉ là một lý do, còn ngọn nguồn sâu xa là do ông Luca Cordero di Montezemolo đã bất đồng quan điểm về nhiều mục tiêu, đường hướng chiến lược quan trọng với sếp trên là ông Sergio Marchionne.

Theo một số nhà phân tích, việc hai ông này không thống nhất được với nhau về những vấn đề quan trọng liên quan tới việc phát triển thương hiệu Ferrari không còn là chuyện bí mật nội bộ và diễn ra một thời gian khá dài. Cụ thể, trong khi ông Sergio Marchionne muốn sản lượng hàng năm của Ferrari đạt ít nhất là 10.000 xe, thì ông Luca Cordero di Montezemolo lại chỉ muốn duy trì số xe Ferrari xuất xưởng khống chế ở mức tối đa là 7.000 xe.

Ông Luca Cordero di Montezemolo luôn cổ xuý quan điểm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là xe Ferrari thuộc dạng sang, rất kén khách nên không cần sản xuất nhiều. Theo Hãng nghiên cứu về thương hiệu Brand Finance (Anh), Ferrari là thương hiệu ô tô mạnh nhất thế giới trong 2 năm qua. Năm 2002, Ferrari bán được 7.318 xe, năm 2013 đuối hơn chỉ là 6.922 chiếc, song doanh thu lại cao hơn 5%.

Ferrari còn luôn sẵn sàng sản xuất xe theo yêu cầu riêng của từng khách hàng (tất nhiên giá cả sẽ cao hơn giá cơ bản). Chẳng hạn, giá cơ bản của model Ferrari FF là 295.000 USD/chiếc; của F12berlinetta coupe là 320.000 USD/chiếc. Nếu khách hàng nào muốn sành điệu hơn, có đòi hỏi hay yêu cầu gì thêm thì Ferrari sẵn sàng chiều lòng và đáp ứng với chất lượng “miễn chê”, song phải chi thêm bộn tiền.

Lý do tiếp theo là ông Luca Cordero di Montezemolo không chấp nhận việc đưa dây chuyền sản xuất xe Ferrari sang một số nước khác (như Mỹ), trong khi lãnh đạo FIAT lại coi đây như là một xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá.

Ông Luca Cordero di Montezemolo đã từng lớn tiếng khẳng định: “Ferrari đã sinh ra ở Italia và nếu có chết thì phải chết ở Italia. Ý tưởng sản xuất xe Ferrari bên ngoài lãnh thổ Italia là không thể chấp nhận được, bởi nét đặc trưng mang đậm chất Italia của Ferrari sẽ bị phôi pha”.

FIAT hiện sở hữu tổng cộng 12 thương hiệu xe như FIAT, Ferrari, Alfa Romeo, Chrysler, Jeep, Lancia, Maserati… Phần lớn trong số đó cũng đều nổi tiếng. Ngay trong phân khúc hạng sang, Maserati cũng cạnh tranh khá ngang ngửa với Ferrari, song vẫn kém Ferrari một nấc về đẳng cấp, thương hiệu, giá cả… Chính vì vậy, ông Luca Cordero di Montezemolo luôn yêu cầu lãnh đạo FIAT coi Ferrari như là chim đầu đàn, anh cả, song trong cung cách đối xử, ông Sergio Marchionne lại chỉ xem Ferrari như một công ty thành viên, không dành cho ưu ái gì quá đặc biệt.

Về mặt đời thường, tính cách của ông Luca Cordero di Montezemolo khá tự do rất thích hợp với thế giới tay chơi của những tay đua Công thức 1, cũng trái ngược với vẻ cao đạo, từ tốn của ông Sergio Marchionne.

Song ở đây cũng có lý do chính yếu đã đề cập ngay từ đầu là Ferrari đang nếm trải thất bại cay đắng khi từ năm 2008 đến nay, giải nhất về người lái lẫn xe đều thuộc về các đối thủ, nên đây là thời điểm thích hợp để “chém tướng” chịu trách nhiệm cao nhất ở Ferrari.

Tuy mất ghế, song ông không phải phàn nàn về việc đền bù về mặt tài chính.

Ông sẽ nhận được tổng cộng 27 triệu euro (34,7 triệu USD) tiền đền bù trọn gói, trong đó gồm cả khoản tiền 13,25 triệu euro “trói ông” không được tham gia vào bất cứ hoạt động chuyên môn nào liên quan đến cạnh tranh trực tiếp không chỉ với Ferrari, mà cả FIAT trong thời gian từ nay đến tháng 3/2017. Tức là tuy cho ông nghỉ, song FIAT vẫn ngăn cản không cho ông gia nhập hàng ngũ các đối thủ.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}