Chứng khoán Mỹ tiếp tục bán tháo vì ám ảnh lạm phát

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.B

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (11/5), khi giá nguyên vật liệu thô tăng cao và tình trạng khan hiếm lao động đẩy cao nỗi lo lạm phát, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn trấn an rằng việc giá cả tăng vọt trong ngắn hạn sẽ không trở thành một xu hướng dai dẳng.

Cả ba chỉ số cùng thoát đáy của phiên khi đóng cửa, nhưng sự bán tháo diễn ra hầu như ở tất cả các nhóm cổ phiếu.

“Ngày hôm nay, cổ phiếu công nghệ bị bán ít hơn sau khi bị bán ồ ạt từ đầu tháng. Nhưng xu hướng bán tháo đã lan sang các nhóm cổ phiếu ngành khác, và thị trường suy yếu trên diện rộng”, chiến lược gia Ryan Detrick thuộc LPL Financial phát biểu.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số công việc cần tuyền lao động ở nước này trong tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục. Đây được xem là một bằng chứng nữa về tình trạng khan hiếm lao động đã được thể hiện trong báo cáo việc làm tháng 4 gây thất vọng mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Báo cáo mới nhất cho thấy nguồn cung lao động hiện không đáp ứng kịp với nhu cầu tăng mạnh bởi các công ty đang ra sức tìm kiếm lao động có chất lượng.

Chuỗi nhà hành burrito Chipotle Mexican Grill tuyên bố sẽ nâng lương bình quân theo giờ lên 15 USD, thêm một dấu hiệu nữa cho thấy tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh, có thể đẩy áp lực lạm phát lên cao hơn.

Thiếu lao động cộng thêm thiếu cung hàng hóa giữa lúc nhu cầu bùng nổ được nhiều chuyên gia cho là sẽ tất yếu dẫn tới giá cả tăng mạnh. Trái lại, Fed vẫn nói giá cả có tăng cũng chỉ là tạm thời và không dẫn tới lạm phát dài hạn.

“Mối lo lạm phát này đang tiếp diễn”, ông Detrick nói. “Các vấn đề về chuỗi cung ứng kết hợp với lượng tiền kích cầu khổng lồ và thị tường lao động thắt chặt, tất cả đều dẫn tới nỗi lo sợ rằng lạm phát sẽ tăng cao trong những tháng mùa hè”.

“Tôi không nghĩ là thị trường tin Fed khi Fed nói sẽ không tăng lãi suất cho tới sau năm 2023”, ông Detrick nói thêm. “Đây là vấn đề mà thị trường và Fed không có sự nhất trí”.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên giao dịch ngày 12/5 sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm thêm ở báo cáo này những dấu hiệu về lạm phát.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1,36%, còn 34.269,16 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,87%, còn 4.152,1 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,09%, còn 13.389,43 điểm.

Chỉ số VIX đo lường nỗi lo lắng của nhà đầu tư tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng.

Đến thời điểm hiện tại đã có 451 công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021. Trong đó, gần 87% đưa ra kết quả vượt dự báo của giới phân tích - theo dữ liệu của Refinitiv.

Giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 1 của các công ty trong S&P 500 tăng bình quân 50,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng chỉ 16% đưa ra hồi đầu năm.

Sự đặt cược ở Phố Wall vào khả năng lạm phát tăng tốc trong những tháng tới đã đẩy cao lãi suất hòa vốn của trái phiếu kho bạc Mỹ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) kỳ hạn 5 năm. Lãi suất này - là một thước đo về kỳ vọng lạm phát - tăng lên mức cao nhất 10 năm ở 2,717%.

Lãi suất hòa vốn của TIPS kỳ hạn 10 năm đứng ở 2,539%, phản ánh rằng thị trường kỳ vọng lạm phát ở Mỹ sẽ bình quân hơn 2,5% mỗi năm trong thập kỷ tới.

Giá dầu cũng có một phiên giao dịch đầy biến động và kết thúc ở trạng thái tăng. Nhà đầu tư lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung xăng ở Mỹ sau một vụ tấn công mạng gây tê liệt hệ thống đường ống xăng dầu lớn nhất nước này.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tăng 0,8%, đạt 65,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,5%, đạt 68,69 USD/thùng.

Nguồn VnEconomy