Chúng ta đang làm cho nông dân... không sướng!

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, nhận định như trên tại hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” do viện này tổ chức sáng nay, 17-3.

Ông Cung cho rằng những thông điệp của Thủ tướng về lúa gạo mới đây tại An Giang là điều đáng phải suy nghĩ. “Lệnh của Thủ tướng có rồi thì phải làm, nếu không làm sẽ rất dở” - ông Cung nói.

Theo ông Cung, vấn đề lớn nhất trong nông nghiệp cũng như trong các lĩnh vực khác là nói và thực hiện có một khoảng cách khá xa. Bởi vậy, cần phải tiếp tục thúc đẩy những định hướng đúng đắn.

Tuy nhiên, nói về cách thức làm nông nghiệp hiện nay, ông Cung cho rằng: “Làm nông nghiệp mà kéo nông dân ra khỏi nông nghiệp, nông thôn thì cách làm ấy có lẽ lại làm khổ nông dân chứ không phải làm sướng cho nông dân”.

Trình bày nghiên cứu của mình về thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo, TS Đặng Quang Vinh cho biết các chính sách về đất đai, tín dụng, xuất khẩu đối với lúa, gạo đang kìm hãm phát triển lĩnh vực này.

Chúng ta đang làm cho nông dân... không sướng! - 1

TS Đặng Quang Vinh cho rằng: Nghị định 109/2010 đã tạo ra một sân chơi bất bình đẳng trong xuất khẩu gạo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đặc biệt, là Nghị định 109/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định này đưa ra các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là rất ngặt nghèo về kho chuyên dùng, cơ sở xay xát, thời gian xuất khẩu gạo.

“Những điều kiện này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và một doanh nghiệp mới thành lập không thể vượt qua để tham gia xuất khẩu gạo”, TS Vinh nói và nhận xét hệ quả của nghị định này là tập trung xuất khẩu vào một số doanh nghiệp lớn, loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ vì khó đáp ứng được hai điều kiện trên.

Trước khi Nghị định số 109 số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có lúc lên đến hơn 200 doanh nghiệp. Sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp đã giảm xuống và đến nay theo con số chính thức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là 145 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo.

Sân chơi xuất khẩu gạo bất bình đẳng

TS Vinh thậm chí còn nhận xét rằng: “Chính sách này còn tạo ra những chủ thể chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”.

Ngoài ra, TS Vinh cho hay: Nghị định 109 tạo điều kiện cho VFA nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo và tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đồng thời, tạo ra nhiều không gian cho sự tùy tiện của cơ quan công quyền khi được yêu cầu xác nhận thông tin về lượng gạo có sẵn của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tham nhũng.

Với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghị định này cũng gây ra những rào cản khiến định hướng sản xuất lúa chất lượng cao, xuất khẩu vào các thị trường phân khúc cao.

Hơn nữa, Nghị định 109 đã trao quá nhiều quyền cho VFA và VINAFOOD 1 và VINAFOOD 2, tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng và làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.

TS Vinh cho rằng cần phải thay đổi căn bản để tạo ra một cấu trúc thị trường mới, một cơ chế lợi ích mới để doanh nghiệp xuất khẩu gạo gắn lợi ích của mình với cả chuỗi giá trị lúa gạo trong nước.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng chính sách đối với thương mại lúa, gạo “có thể nói là chính sách tồi nhất về xuất khẩu”.

Bà Phạm Chi Lan nói rằng chính sách này là một xu hướng ngược khi tăng quyền cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước để tăng sự chèn ép đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nông dân, tự tạo thêm trở ngại cho xuất khẩu lúa gạo của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh tăng lên trên thị trường quốc tế.

“VFA là điển hình của lợi ích nhóm, của sự câu kết quyền lực giữa cơ quan nhà nước với DN lớn, DNNN nhân danh hiệp hội” - bà Phạm Chi Lan nhận định.

Thủ tướng đã kết luận rõ ràng về yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 và các điều kiện tham gia xuất khẩu gạo, cũng như xem lại và xóa bỏ những quyền không hợp lý của VFA, qua cuộc họp về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày 15-3 vừa qua. Cần triển khai thực hiện ngay và triệt để những chỉ đạo này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nguồn 24h