Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/9

Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/9 của các công ty chứng khoán.

 

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/9

 

HVG: Kỳ vọng việc mở rộng được thị phần tại Nga

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Mặc dù sản lượng thủy sản đánh bắt phong phú nhưng Nga phải nhập khẩu thủy sàn chế biến do ngành công nghiệp chế biến thủy sản của nước này kém phát triển. Với dân số 143 triệu người và dự báo tăng trưởng tiêu dùng năm 2014 là 3,1% thì Nga là thị trường tiềm năng để khai thác kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo nhập khẩu cá của Nga sẽ tiếp tục tăng trong 2015 do nhu cầu mạnh mẽ đối với cá hồi và trứng cá hồi, cá (thu/tra) đông lạnh để chế biến. Trong đầu tháng 8/2014, do những bất ổn về chính trị, Nga đã ban lệnh cấm nhập khẩu cá từ châu Âu (EU), Mỹ, Na Uy, Canada và Úc trong vòng 1 năm.

Theo số liệu 2013, Na Uy chiếm 40% trong tổng giá trị thủy sản xuất khẩu vào Nga.

Việc Na Uy bị mất thị phần sẽ là cơ hội cho các nước khác như: Chile, Iceland và Việt Nam gia tăng sản lượng. Trong cùng thời gian này, Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra đối với 7 cở sở chế biến cá tra xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có 4 cở sở là thuộc CTCP thủy sản Hùng Vương (HVG).

Nga chiếm khoảng 34% thị phần xuất khẩu cá tra của HVG trong 2013, trước đó, tỷ lệ này là 17% trong 2010. Hùng Vương cho biết đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cá sang Nga khoảng 40.000 tấn thành phẩm, tương ứng khoảng 50% tổng sản lượng, thời gian giao hàng từ tháng 10 đến quý I/2015.

Chúng tôi kì vọng việc mở rộng được thị phần tại Nga có thể giúp HVG bù đắp được sự sụt giảm thị phần tại Mỹ, do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá POR9 cao hơn. Tuy nhiên cũng lưu ý thêm, giá cá tra bán vào thị trường Nga thường thấp hơn so với Mỹ từ 0,5 – 1USD/kg.

Trong trường hợp nếu kết quảđàm phán giữa Việt Nam và liên minh hải quan thuận lợi (dự kiến kết thúc cuối 2014) sẽ giúp đưa thuế nhập khẩu vào Nga cùng liên minh hải quan từ mức 18% về 0%. Qua đó HVG có thể cải thiện giá bán và tăng biên lợi nhuận trong năm sau. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khá quan ngại về rủi ro thanh toán đối với thị trường Nga do Nga thường có thông lệ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.

HVG lên kế hoạch hợp tác đầu tư với Nga để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Matxcova, thành phố có tỷ lệ tiệu thụ thủy sản nhập khẩu nhiều nhất. Mục đích nâng cao chất lượng hàng thủy sản từ Việt Nam và tận dụng nguyên liệu hải sản đánh bắt phong phú tại các vùng biển Nga. Tổng số vốn cho dự án này vào khoảng 30 triệu USD, dự kiến đầu năm 2015, công ty sẽ khởi công dự án.

DHG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Dược Hậu Giang vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2014 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 2.316 và 445 tỷ đồng, tăng 15,4% và 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn đáng kể so với mức tăng 9,2% và 8,5% của 6 tháng đầu năm 2014. Lưu ý, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên đã loại trừ thu nhập từ hoạt động tài chính cũng như thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng thương hiệu Eugica hồi năm trước.

Các điểm tích cực nữa là: (1)doanh thu hàng sản xuất 8 tháng đầu năm 2014 tăng đến 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 91,5% tổng doanh thu của DHG; và (2)doanh thu xuất khẩu tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù tỷ trọng doanh thu xuất khẩu còn rất khiêm tốn, khoảng hơn 1% doanh thu nhưng về dài hạn DHG đang định hướng đẩy mạnh mảng này với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng 25%/năm trong 5 năm tới.

Kết thúc 8 tháng đầu năm 2014, DHG đã hoàn thành 59,7% và 64,9% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Như đã đề cập trong các phân tích trước, giai đoạn những tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của hệ thương mại (OTC) - kênh phân phối chính của DHG. Do đó khả năng cao là kết quả kinh doanh của DHG sẽ tăng mạnh trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm và vượt kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất dược tại Myanmar. Như kế hoạch đã được ĐHCĐ TN 2014 thông qua, DHG dự kiến mua lại 72,86% cổ phần của CTCP Dược phẩm Ánh Sao Việt (ASV) trị giá khoảng 91 tỷ đồng. ASV hiện đã có giấy phép xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại Myanmar. Qua đó, DHG sẽ thành lập liên doanh với Myanmar để xây dựng nhà máy sản xuất và phân phối ở nước này. Sau quá trình tìm hiểu và đàm phán, do những khó khăn và rủi ro liên quan đến đối tác liên doanh và các quy định đầu tư khác, DHG quyết định ngưng dự án đầu tư này.

Tuy nhiên, DHG vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển xuất khẩu sang Myanmar thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống phân phối và hoạt động marketing trong 2015. Thị trường Myanmar được đánh giá khá tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng khoảng 10-15%/năm trong 5 năm tới. Với 65 triệu dân nhưng hiện cả nước chỉ có 5 nhà máy sản xuất và 250 công ty phân phối dược phẩm, so với Việt Nam, chỉ 90 triệu dân nhưng có đến khoảng 178 công ty sản xuất và hơn 2.300 công ty phân phối dược.

Theo chúng tôi, quyết định ngưng kế hoạch xây dựng nhà máy tại Myanmar không có ảnh hưởng đáng kể nào đến tiềm năng phát triển xuất khẩu của DHG sang thị trường này. Với việc năng lực sản xuất tăng gấp đôi từ cuối 2013, DHG vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng.

Định hướng sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu của DHG cũng khá tiềm năng. Ngoài ra công ty còn có khoản ưu đãi thuế khoảng 1.000 tỷ đồng trong 15 năm tới. DHG đang giao dịch ở mức 13 lần PE 2014, thấp hơn nhiều so với bình quân các công ty trong khu vực, khoảng 20 lần. Duy trì khuyến nghị MUA.

GMD: Hoạt động kinh doanh đang dần tích cực

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Vì chưa tăng nhiều trong thời gian qua nên nên cổ phiếu GMD cũng là một cổ phiếu đáng chú ý. Thực tế, trên khía cạnh cơ bản, chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang dần có sự chuyển biến tích cực.

Kết quả kinh doanh của GMD trong quý I và quý II nhìn chung khá khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của GMD chỉ tăng trưởng khá nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 406% so với cùng kỳ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 3,7%, phần lớn là nhờ ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng Gemadept Tower (khoảng 570 tỷ đồng) cho tập đoàn Hàn Quốc CJ.

Từ nay đến cuối năm 2014, việc Cảng Nam Hải Đình Vũ 500.000 Teus/năm đi vào khai thác sẽ là động lực tăng trưởng chính của GMD. Với hiệu suất khai thác 60-70% công suất thiết kế, cảng này sẽ giúp giảm bớt sự quá tải ở cảng Nam Hải và bù đắp khoản doanh thu mất đi từ mảng cho thuê văn phòng (khoảng 85 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, nhờ được miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu nên biên lợi nhuận ròng của cảng Nam Hải Đình Vũ cũng khá cao, khoảng 30%. Vì vậy, có thể kỳ vọng đóng góp của mảng cảng nói chung vào lợi nhuận của GMD sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong các năm tới.

Mặt khác, chính sách siết chặt trọng tải của Bộ GTVT đã có tác động tích cực lên doanh thu mảng vận tải đường bộ của GMD trong 6 tháng đầu năm với số chuyến vận chuyển và hiệu suất khai thác xe tăng đều có cải thiện. Hoạt động của dịch vụ logistics 3PL cũng đang khả quan với hiệu suất khai thác cao (trên 90%) tại hai DC (Distribution centers) với tổng diện tích 30.000m2 tại KCN Sóng Thần. Do đó, Công ty đang có kế hoạch xây thêm DC thứ ba với diện tích khoảng 24.000m2 cũng tại khu vực này trong năm 2015 nhằm tăng công suất cho hoạt động logistics 3PL.

Đáng chú ý, tháng 11 tới đây, GMD sẽ khởi công dự án phức hợp Viêng Chăn – Lào. Dự án này có vị trí đắc địa, sát cạnh Văn phòng chính phủ Lào và trên tuyến đường du lịch đi đến Luang Phrabang. Đây cũng là dự án khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên ở Viêng Chăn và theo GMD, sẽ được quản lý bởi một trong những thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới. GMD hiện đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng. Với nhiều lợi thế, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một dự án bất động sản nhiều tiềm năng. Dù vậy, dự án sẽ khó đem lại doanh thu lợi nhuận cho Công ty cho tới khi hoạt động ổn định, dự kiến khoảng 3-4 năm tới.

Nhìn chung, chúng tôi đánh giá cao mảng kinh doanh cảng và logistics của GMD. Đây là những mảng hoạt động có hiệu suất hoạt động cao và trước mắt có thể tạo ra tăng trưởng ổn định cho Công ty. GMD cũng có nhiều dự án đầu tư tiềm năng với quy mô vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, điểm rơi lợi nhuận của các dự án này là trong dài hạn. Do đó, trong một vài năm tiếp theo, sẽ khó kỳ vọng kết quả kinh doanh của GMD sẽ có sự đột biến như 2 năm trở lại đây.

TCM: Cổ phiếu cơ bản tốt

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Ngày 18/09/2014, TCM đã đăng tải nội dung giấy phép đầu tư vào dự án nhà máy Vĩnh Long, trong đó có công bố chi tiết về lộ trình, vốn đầu tư dự kiến và phương án tài chính của dự án. Nhà máy Vĩnh Long được đầu tư thành 3 giai đoạn từ nay đến năm 2017 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 645 tỷ đồng. Nhà máy nằm trong kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất của TCM trong dài hạn.

Giai đoạn 1 của dự án Vĩnh Long sẽ bao gồm 3 xưởng với gần 1.500 công nhân. Chúng tôi ước tính, riêng giai đoạn này sẽ giúp tăng công suất và doanh thu khâu may - mảng hiện đóng góp gần 51% doanh thu và hơn 70% lợi nhuận gộp của Công ty - khoảng 15-17% trong năm 2015. Từ năm 2016 trở đi, chúng tôi kỳ vọng nhà máy may giai đoạn 1 sẽ đóng góp khoảng 300 tỷ đồng doanh thu và khoảng 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho TCM.

Do đặc thù của ngành may là thâm dụng lao động nên trong thời gian đầu, nhà máy Vĩnh Long sẽ có một số thuận lợi nhờ chi phí nhân công thấp. Theo khảo sát của chúng tôi, chi phí lương bình quân của công nhân may ở Vĩnh Long dao động trong khoảng 2-4 triệu/tháng, thấp hơn 20% mức lương trung bình của công nhân tại nhà máy may hiện tại của TCM ( bình quân năm 2013 là 4,7 triệu đồng/tháng và hiện nay là gần 5 triệu đồng).

Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi cho rằng chi phí nhân công thấp sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU cũng yêu cầu rất khắt khe về vấn đề điều kiện lao động. Do đó, thay vì tận dụng nguồn lao động giá rẻ, TCM sẽ tập trung cải thiện năng suất thông qua việc hợp lý hóa sản xuất cũng như đào tạo cho người lao động.

8 tháng đầu năm 2014, TCM ghi nhận mức doanh thu là 1.740 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 117 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế điều chỉnh năm 2014. Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng Công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm nay. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 dự phóng của TCM vào khoảng 181 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ và tương đương với EPS là 3.681 đồng.

Hôm nay, TCM đã có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,6% tương đương 200 đồng/cp. Chúng tôi nhận thấy giá cổ phiếu này vẫn biến động khá nhiều trong phiên hôm nay, dù sự giằng co mạnh đã giảm đi nhiều so các phiên trước. TCM thuộc nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh khả quan nên không lạ khi cổ phiếu này luôn nhận được lực cầu mạnh hỗ trợ mỗi khi giá giảm đáng kể.

T.Thúy

nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn


{fcomment}