Công bố thương vụ sáp nhập 'khủng', cổ phiếu Vin và Masan diễn biến thế nào?

Tuy nhiên, phản ứng của nhà đầu tư với hai mã chứng khoán MSN và VIC lại không mấy tích cực. Cụ thể, kết thúc giao dịch sáng nay (3/12), cổ phiếu MSN của Masaan Group giảm về mức 68.300 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 0,7%).

Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ của Công ty VinCommerce và Công ty VinEco) cũng không tránh khỏi áp lực bán từ khối ngoại xuất hiện ngay từ sớm. May mắn hơn MSN, lực cầu thẩm thấu xuất hiện vào cuối giờ sáng giúp cổ phiếu VIC tạm dừng đà giảm giá và vẫn giao dịch ở mức tham chiếu, hiện đạt 115.000 đồng/cổ phiếu.

Vingroup sáp nhập chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ vào Tập đoàn Masan. (Ảnh: Vinmart)

Trái lại, đầu giờ sáng 3/12, cổ phiếu MCH của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan giao dịch ở mức giá tham chiếu so với phiên hôm qua 74.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau thông tin nhận sáp nhập Vinmart và Vinmart+ từ Vingroup, cổ phiếu MCH tăng vọt 7,5%. Hiện tại, giá cổ phiếu MCH lên mức 80.000 đồng, tăng 5.600 đồng so với cuối phiên hôm qua. Đây cũng là mức tăng giá mạnh nhất của MCH từ đầu năm đến nay.

Hiện, vốn hóa của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan vào khoảng 58.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua.

Sáng nay 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Sau khi tiếp quản mảng bán lẻ từ Vingroup, Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi từ Vingroup. Toàn bộ nhân viên của VinMart và VinMart+ cũng sẽ tiếp tục các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Trong khi đó, giao dịch giúp Vingroup có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp.


Nguồn: Báo VTC