"Đã chơi đồ hiệu nên chơi cho đáng"

Dù được chuyên gia hàng hiệu từ Italy xác nhận lô hàng thanh lý giảm giá 70% là thật, nhiều bạn đọc vẫn cho rằng, cách chơi đồ hiệu như vậy không phải là của dân đẳng cấp.

Mua hàng hiệu là mua cả dịch vụ đẳng cấp

Bạn Minh Ngọc phân tích: “Nói đến đồ hiệu, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh khách bước vào những cửa hàng sang trọng, được phục vụ, mời chào như VIP. Khách hàng sẽ được tư vấn, giải thích kỹ về tính năng, nguyên liệu của từng sản phẩm.

Các nhãn hàng cao cấp thường không cho nhiều khách hàng vào xem đồ cùng lúc. Một là họ lo sợ về mặt an toàn, không quản lý được, hai là họ muốn được trực tiếp giải thích rõ với khách hàng về cách thức sử dụng cũng như tư vấn kiểu dáng phù hợp. Vì thế, mua hàng hiệu mà mua như tranh cướp, hàng đổ đống thì khó mà kiếm được đồ ưng ý.

Hơn nữa, trong lúc chen chúc, ai mà có thời gian ngồi ngắm, rồi thử đi thử lại trước gương được. Thêm người đứng cạnh chen lấn, chắc chắn bạn cũng không thể “soi” đồ xem mọi chi tiết có hoàn hảo hay không”. Ngọc Minh cũng nghi vấn, hàng hiệu mà trốn thuế, không hóa đơn thì các dịch vụ hậu mãi sẽ thế nào. Và đặc biệt là bạn e rằng khó tránh khỏi việc lô hàng sẽ bị trà trộn hàng nhái mà người dùng không thể phân biệt.

Hàng hiệu được bày bán giảm giá khiến nhiều người háo hức đến lựa chọn

Hàng hiệu không được bảo quản dễ bị hỏng

Một bạn đọc tự nhận là tín đồ hàng hiệu lại nhận xét, hàng để lâu trong kho thường bị ẩm mốc, đặc biệt là Hà Nội trải qua đợt nồm đầu năm vừa qua. Với tình trạng như vậy, người không biết chọn lựa, cứ thấy rẻ mà mua về thì chỉ sử dụng được vài hôm sẽ thấy của rẻ là của ôi. Đồ da, nhất là các loại giày dép chắc chắn sẽ bong da, bục chỉ, đổ keo.

Bạn đọc này cũng nói thêm rằng, giầy da, túi da cần nhất là phom dáng, trong khi hàng đổ đống đôi này chồng lên đôi kia, lúc để trong kho thì xếp ép cho đỡ tốn diện tích, nên sẽ có hiện tượng bị cong vênh.

“Cứ cho là đồ của Gucci đi, nhưng mũi giày mà chỉ lõm chút thôi thì rất dễ bị bạn bè nghi là dùng đồ nhái, vì trông chẳng có dáng dấp gì của đồ hiệu”, bạn đọc này chia sẻ.

Rất đông người chấp nhận chờ đợi từ 6h sáng để mua hàng hiệu thanh lý dù cửa hàng không mở cửa.

Tâm lý sính ngoại đến mê muội của một bộ phận bạn trẻ

Từ những lý do trên đây, nhiều bạn phân tích, việc xếp hàng mua đồ hiệu thanh lý là không đáng. “Việt Nam mình nhiều bạn sính hàng hiệu quá, cứ phải dùng hàng Gucci, hàng LV thì mới ra dáng sành điệu. Không chỉ có các bạn teen, sinh viên, mà cả các sao showbiz cũng hay khoe túi nọ giầy kia.

Tôi nghĩ, nếu thực sự dùng hàng hiệu, các bạn hãy chia sẻ với những người có chung niềm đam mê, sở thích, hoặc hãy dùng nó ở những sự kiện quan trọng. Rất vô lý khi nhiều người bày ra cả một bàn đầy túi, rồi cung cấp giá của từng chiếc túi đó. Hành động ấy chỉ có thể nói là chơi nổi mà thôi", một tín đồ hàng hiệu ở Hà Nội phân tích.

Trong hai ngày 7/12 và 9/12/2012, Quản lý thị trường và Công an Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, đồ da nhãn hiệu Gucci - Milano tại số 63 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ 1.447 đôi giày, dép các loại; 5.545 sản phẩm quần, áo, váy, dây lưng; 320 chiếc túi xách, ví… với thông tin khả nghi.

Qua xác minh, quản lý thị trường đề xử phạt hơn 42 triệu đồng và tịch thu 2.438 sản phẩm nhãn hiệu Gucci, 5.333 sản phẩm nhãn hiệu Milano và các nhãn hiệu khác. Hãng từ Italy xác nhận lô hàng trên là sản phẩm thật 100%.

Từ ngày 5/8/2014, cơ quan chức năng tổ chức bán thanh lý để sung công quỹ. Địa điểm bán hàng tại số 13 Đinh Lễ. Cách xé lẻ kho hàng lớn để thanh lý thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân chơi hàng hiệu tại Hà Nội.

Thời gian thanh lý bước sang ngày thứ 2, người dân từ khắp các ngả đã đổ về gian hàng gây tắc nghẽn nghiêm trọng đoạn phố Đinh Lễ vốn nhỏ hẹp. Do giá trị hàng lớn, khách chen lấn quá đông mất kiểm soát nên sau 20 phút mở cửa trong ngày7/8/2014, đơn vị bán hàng quyết định đóng cửa với lý do tạm nghỉ để kiểm kê hàng hóa.

{fcomment}