Dân Mỹ đang chịu thiệt trước đòn đánh thương chiến

Một báo cáo của IMF nêu rõ, tiếp tục thương chiến bằng thuế quan, Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ càng thiệt hại tăng trưởng kinh tế mà đến thao túng tỷ giá hối đoái cũng không thể cứu vãn.

Thương chiến Mỹ- Trung không thể được giải quyết bằng thuế quan hay tiền tệ

"Thuế quan song phương cao hơn không có khả năng làm giảm sự mất cân bằng thương mại" - báo cáo của IMF nêu rõ.

Theo tổ chức này, việc áp thuế nhập khẩu đối với những nước "bị coi là phá giá tiền tệ" như cáo buộc mới đây của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, thực tế vô tác dụng.

IMF giải thích rằng thuế quan không nhất thiết phải bù cho cùng một tỷ lệ phần trăm của tỷ giá hối đoái được định giá cao hơn.

Ví dụ, thuế quan trung bình của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc đã tăng khoảng 10 điểm phần trăm kể từ năm ngoái, trong khi đồng nhân dân tệ giảm khoảng 10% so với đồng dollar, chủ yếu là do những hành động thương mại này và những bất ổn liên quan.

Trong khi đó, người Mỹ đang chịu thiệt hơn dưới các chính sách thuế quan của Trung Quốc.

"Các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng của Mỹ đang chịu gánh nặng thuế quan. Lý do: đồng tiền mạnh hơn của Mỹ đã có tác động tối thiểu đến nay đối với giá đồng dollar mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhận được do lập hóa đơn bằng dollar" - báo cáo nêu rõ thêm.

Do đó, IMF kêu gọi các bên tìm cách khác để giải quyết các xung đột thương mại, như tính đến các nguồn kinh tế vĩ mô cơ bản và cơ cấu của sự mất cân bằng thương mại.

Các biện pháp này về cơ bản là sẽ hiệu quả hơn việc sử dụng các biện pháp khác như thuế quan. Thay vào đó, dùng đòn thuế quan sẽ chỉ làm chuyển hướng dòng chảy thương mại sang các nước khác.

Đồng thời, việc cả Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi chính sách giảm giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích sẽ càng khiến ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường thế giới và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế.

Mỹ dự định sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9. Sau đó, ông Trump hoãn áp thuế này lên một số mặt hàng cho tới ngày 15/12 năm nay.

Động thái từ Mỹ kích hoạt Trung Quốc phản ứng hạ lãi suất cho vay cơ bản và thay đổi cơ chế công bố lãi suất này. Động thái từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được cho là giúp giảm chi phí của doanh nghiệp về tài chính, kích thích đầu tư trong nước, bù đắp lượng đầu tư nước ngoài dần rút khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của thuế quan Mỹ. Bên cạnh đó, nó cũng giúp Trung Quốc có được sự cạnh tranh tốt hơn so với đối thủ Mỹ.

Trước phản ứng của Trung Quốc như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang hối thúc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, giảm giá đồng USD để gia tăng sức cạnh tranh của nước Mỹ.

Tổng thống Trump tin rằng, Trung Quốc có một lợi thế rất lớn là người đứng đầu quốc gia có thể can thiệp vào hoạt động của Ngân hàng Trung ương trong khi nước Mỹ thì không vậy. Tổng thống Trump đã là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sự gây sức ép với Chủ tịch FED, buộc làm cho đồng tiền Mỹ yếu đi.


Nguồn: Báo Đất Việt