Thông tư 36 làm nóng làn sóng sáp nhập ngân hàng

 Với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, tinh giản số lượng ngân hàng để lành mạnh hệ thống đã khiến các ngân hàng quy mô nhỏ phải đối mặt gần hơn với việc sáp nhập, hợp nhất (M&A). 

Thông tư 36 làm nóng làn sóng sáp nhập ngân hàng

Làn sóng M&A trong ngành ngân hàng càng nóng lên trước sức ép giảm tỷ lệ sở hữu chéo theo Thông tư 36/2014 của NHNN.

Ngân hàng yếu không còn đường lùi

Vietcombank vừa công bố kế hoạch nhận một NHTM nhỏ khác về “chung một mái nhà”. Thực ra, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi trước đây, khi thị trường tài chính có khó khăn, Vietcombank dưới sự chỉ đạo của NHNN từng đứng ra làm “bà đỡ” cho một số ngân hàng nhỏ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản. Trước đó, dư luận cũng râm ran đồn đoán về khả năng Ngân hàng sẽ nhận sáp nhập VNCB.

Tuy nhiên, đối tượng mà Vietcombank nhận sáp nhập được xác định là Saigonbank. Hiện Vietcombank vẫn đang là cổ đông lớn của ngân hàng này, với tỷ lệ sở hữu hơn 8,2%. Sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, 2 ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập lên NHNN. Hiện tại, mấu chốt của việc đàm phán giữa hai ngân hàng trên vẫn là giá chuyển nhượng và đến giờ việc thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành.

Một “ông lớn” có gốc quốc doanh khác là BIDV sắp tới cũng sẽ “cưu mang” một ngân hàng nhỏ. Còn Vietinbank cũng được xác định sẽ phải nhận sáp nhập một ngân hàng nhỏ, yếu kém là PGBank.

PGBank cũng đã đề xuất được sáp nhập vào Vietinbank, nhưng đến nay, việc sáp nhập PGBank vào Vietinbank mới chỉ dừng lại ở xin chủ trương. Thời gian qua, PGBank đã tìm hiểu nhiều đối tác để tái cấu trúc, nhưng Vietinbank vẫn là đối tác có tiềm năng nhất, nên HĐQT PGBank đã đề xuất ĐHCĐ chấp thuận phương án tái cấu trúc bằng sáp nhập vào Vietinbank. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Tập đoàn Petrolimex phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PGBank từ 40% hiện nay xuống 20%. Nhưng nếu sáp nhập vào Vietinbank, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex nếu tính trên số vốn của Vietinbank sẽ giảm rất mạnh. Đó cũng là mong muốn của HĐQT PGBank trong quá trình tái cấu trúc.

Sức ép tái cơ cấu giai đoạn hai của hệ thống ngân hàng đang nóng dần lên. Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2017, NHNN định hướng giảm xuống còn khoảng 20 ngân hàng và hình thành một số NHTM có quy mô lớn với khả năng cạnh tranh mạnh, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các NHTM nhà nước trong hệ thống. Vì thế, việc sử dụng ngân hàng lớn “cưu mang” ngân hàng nhỏ được giới chuyên gia đánh giá cao, bởi họ có đủ tiềm lực tài chính để bù đắp sự thiếu hụt về vốn, nhân lực, quản trị…

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, năm 2015, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có cuộc tái cấu trúc lần 2, gom các ngân hàng lại để tạo thành những ngân hàng có quy mô lớn, đạt chuẩn mực quốc tế. Một trong những điểm nhấn chú ý năm 2015 khi thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD được Phó Thống đốc nhấn mạnh là kiên quyết xử lý những đơn vị yếu kém, không có triển vọng phục hồi, kể cả sử dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Thương vụ M&A đầu tiên của ngành ngân hàng trong năm 2015 sẽ là thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, sau đó yêu cầu nhiều ngân hàng yếu kém khác nhập vào ngân hàng lớn.

Tuy nhiên, để có thể “gánh” được một ngân hàng nhỏ trước bối cảnh khó khăn hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, cần thiết có một ngân hàng lớn mạnh mới kỳ vọng giải quyết được những khó khăn nội tại mà ngân hàng nhỏ đang có.

Sáp nhập để giảm sở hữu chéo

Không chỉ Vietcombank, BIDV, Vietinbank, 2 thương vụ sáp nhập ngân hàng khác cũng sắp được thông qua. Theo thông tin từ NHNN, cơ quan này đã chấp thuận chủ trương cho Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank. Vì thế, nhiều khả năng hai thương vụ M&A này sẽ sớm được NHNN thông qua năm nay. Hai thương vụ sáp nhập này đã được ĐHCĐ thường niên của cả hai nhà băng thông qua trong quý II/2014 và cũng đã xây dựng đề án sáp nhập trình NHNN ngay sau Đại hội.

Các ngân hàng này cho biết đã sẵn sàng để triển khai kế hoạch M&A sau khi chính thức được NHNN phê duyệt thông qua. Thậm chí, ngay tại Maritime Bank, tuy chưa chính thức sáp nhập MDB, nhưng nội bộ lãnh đạo hầu như đã về một nhà. Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, mọi kế hoạch đã được chuẩn bị sau khi cổ đông thông qua. Vì thế, khi Sacombank nhận được văn bản chính thức từ NHNN sẽ tập trung triển khai đề án sáp nhập thêm SouthernBank.

Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa SouthernBank sang cổ phiếu Sacombank vẫn là một ẩn số được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện 2 ngân hàng này có sự chênh lệch khá lớn về cả quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh, nhất là trong những năm gần đây. Nhưng vì Southern Bank – Sacombank; Mekong Bank - Maritime Bank chung dáng dấp của một chủ sở hữu nên việc sáp nhập sẽ là cơ hội để xóa tình trạng tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt trần mà NHNN đang quyết liệt xử lý trong thời gian này. Đặc biệt là khi Thông tư 36 chính thức được áp dụng vào đầu tháng 2/2015, một lần nữa siết lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống khi quy định một NHTM chỉ được sở hữu tối đa 2 TCTD và tỷ lệ không quá 5%.

Với quy định mới, nhiều ngân hàng buộc phải thoái vốn tại ngân hàng khác. Chẳng hạn, Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phiếu tại 5 TCTD, nên theo quy định buộc phải thoái vốn hoàn toàn tại ít nhất 3 TCTD. Ngoài ra, Vietcombank còn phải giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại MB, Eximbank, OCB, Công ty Tài chính Xi măng từ mức 8 - 9% hiện nay xuống dưới 5%. Eximbank cũng sẽ buộc phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank xuống dưới 5%, thay vì 9,7%.

Lãnh đạo Eximbank cho hay, nếu NHNN không lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 thì ngân hàng buộc phải thoái bớt vốn tại Sacombank. Tương tự, Maritime Bank phải giảm tỷ lệ sở hữu tại MDB từ 10% xuống 5% và tại MB xuống dưới 5%, nhưng với MDB, nếu sáp nhập thành công sẽ xóa được sở hữu chéo.

Theo Tin nhanh chứng khoán