Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm mang lại nhiều hệ lụy

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khống chế tín dụng với từng ngân hàng cũng như đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là cách điều hành chạy theo thành tích về lượng, có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm mang lại nhiều hệ lụy

Đây là vấn đề được thảo luận nhiều khi lạm phát được giữ ở mức thấp và ổn định, khoảng doãng giữa lãi suất cho vay và huy động tăng lên.

“Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về tình hình kinh tế quý IV/2014 và dự báo 2015 cho thấy, dư địa giảm lãi suất cho vay không nhiều”, ông Cung bình luận.

Lý do được đưa ra là tình hình tài chính ngân hàng dù khác nhau nhưng điểm chung vẫn là chưa thực sự lành mạnh. Hoạt động cho với mới còn hạn chế, chiếm phần lớn là các khoản vay đáo hạn để giảm lái suất khoản vay cũ. Lý do này cũng cản trở việc giảm tiếp lãi suất cho vay.

“Cùng một số nguyên nhân khác nữa, đặc biệt là đồng USD lên giá, việc hạ lãi suất cho vay khó diễn ra trên diện rộng. Có thể ở một số ngân hàng, với một số đối tượng đặc biệt sẽ có mức lãi suất cho vay thấp hơn. Nhưng phải nói là chỉ khi lãi suất giảm căng đều trên thị trường thì mới tác động đến dòng tín dụng đưa vào sản xuất, kinh doanh. Như vậy, đây vẫn tiếp tục là nút thắt của nền kinh tế”, ông Cung nói và cho rằng, việc tháo gỡ nút thắt này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tín dụng và cách điều hành của chính sách này.

“Tôi đề nghị bỏ khống chế tín dụng với từng ngân hàng cũng như bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cách điều hành này chạy theo thành tích về lượng có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Ví dụ, nếu cuối năm, tăng trưởng tín dụng chưa đạt chỉ tiêu sẽ có cách chạy theo nhưng với hình thức hành chính, phi thị trường, để tạo thành tích tăng trưởng tín dụng, như cho vay rồi thu lại ngay. Chính việc điều hành này làm méo mó thị trường tín dụng”, ông Cung phân tích.

Quan điểm được đưa ra, nếu bỏ chỉ tiêu tín dụng hàng năm, thì việc tăng trưởng sẽ thuận theo tín hiệu thị trường, nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả thay vì phân bổ theo chỉ định, chỉ đạo, hành chính. Hệ lụy của cách điều hành này rất lớn là việc tái cơ cấu kinh tế không đạt được như mong muốn vì không nâng được hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.

Cách điều hành tín dụng, theo đề nghị của nhóm nghiên cứu của CIEM là điều hành tín dụng phải gắn với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung và dài hạn, dựa rên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp. Đây là cách neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

“Việc bỏ chỉ tiêu tăng tín dụng cũng sẽ chấm dứt các gói tín dụng cũng như việc phân biệt đối xử với khách hàng, thay vì tìm đến khách hàng ưu tiên sẽ tìm đến khách hàng tốt”, ông Cung phân tích.

Đặc biệt, ông Cung đề xuất ban hành một luật đặc biệt để thiết lập thể chế thị trường mua bán nợ đầy đủ để người bán có thể bán được, người mua có thể mua được nợ theo thị trường. “Khi đó, nợ sẽ giải quyết dần và đúng bản chất. Luật này có hiệu lực trong vòng 5 năm và không phải sửa các luật khác, ông Cung đề xuất giải pháp nhằm tái cơ cấu ngân hàng nhanh, trên cơ sở đó tăng hiệu quả truyển tải chính sách tiền tệ.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán