Đề nghị cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố di sản

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tỉnh Thừa Thiên-Huế là một trong 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết đặt mục tiêu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, Thừa Thiên-Huế đã đạt được những bước phát triển tốt.

Tuy nhiên, khu vực nông thôn như huyện miền núi A Lưới có xuất phát điểm và hạ tầng rất khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Như vậy, các tiêu chí của thành phố di sản trực thuộc Trung ương cũng sẽ khác và cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Thừa Thiên - Huế đạt được mục tiêu này…

Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, tại Tờ trình số 428/TTr-CP, ngày 19/10/2021 của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế chính là tiền đề để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Thứ nhất, về phí tham quan di tích, ngân sách tỉnh được hưởng toàn bộ để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa.

Thứ hai, đối với Quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép huy động vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nguồn hỗ trợ từ ngân sách của các tỉnh, thành phố muốn đóng góp tài chính để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn các di tích trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, về quy định mức dư nợ vay, đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40% sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.

Thứ tư, về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Thứ năm, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên-Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Thứ sáu, về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý: ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Du khách nước ngoài qua khu vực kiểm soát vé để vào Đại nội Huế.

Nói về dự thảo Nghị quyết cho thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, việc thành lập Quỹ này xuất phát từ thực tiễn. Lâu nay, Trung tâm đã kêu gọi nguồn lực từ những cá nhân, tổ chức để hỗ trợ cho việc bảo tồn, trùng tu di tích. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hình thành một quỹ chính thống, quản lý bài bản, có quy mô quốc gia, hoạt động theo luật định, trong đó, cơ bản nhất là có thể dùng ngân sách của các địa phương hỗ trợ cho Thừa Thiên-Huế để trùng tu, phát huy giá trị di sản.

Theo ông Hoàng Việt Trung, hệ thống di sản của Huế rất đồ sộ, gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, di sản thế giới, di tích quốc gia… Nhu cầu kinh phí trùng tu di tích rất lớn, nhưng khả năng cân đối nguồn lực của Thừa Thiên - Huế còn khó. Khi có nguồn lực từ Quỹ bảo tồn di sản Huế, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản. Đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích diện nguy cấp.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, nói đến di sản văn hóa Huế thì đó còn là di sản của Việt Nam và thế giới nên công cuộc bảo tồn di sản Huế rất cần sự chung tay, góp sức. Theo Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội, Quỹ bảo tồn di sản Huế nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do địa phương quản lý và được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hoặc đầu tư chưa đủ để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng. Đặc biệt, không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên-Huế để hỗ trợ Quỹ này…

Nguồn: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-co-che-chinh-sach-dac-thu-xay-dung-thua-thien-hue-tro-thanh-thanh-pho-di-san-i632693/