ĐHCĐ OPC: Giảm giá phát hành cho cổ đông

Tại ĐHCĐ CTCP Dược phẩm OPC (OPC) diễn ra sáng nay (10/4), nội dung được các cổ đông tập trung thảo luận chính là xác định lại mức giá chào bán cho cổ đông hiện hữu và CBCNV trong đợt phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ sắp tới. 

ĐHCĐ OPC: Giảm giá phát hành cho cổ đông

Theo tờ trình đại hội, OPC dự kiến dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5% số cổ phần đang lưu hành, tương đương hơn 946.000 cổ phần, giá bán 12.000 đồng/cổ phần. Hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm. Dự kiến thực hiện trong quý II - III/2015.

Còn đối với cổ đông hiện hữu, OPC phát hành theo tỷ lệ thực hiện quyền 4:1. Giá bán 12.000 đồng/cổ phần (nguyên tắc định giá bán là lớn hơn mệnh giá và 30% thị giá). Tổng số cổ phần chào bán hơn 5 triệu cổ phần.

Tại đại hội, đại diện Quỹ đầu tư y tế Bản Việt đề xuất thay đổi về mức giá trong phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu và giá phát hành cổ phiếu ESOP. Cụ thể, quỹ này đề nghị giảm mức giá phtá hành cho cổ đông hiện hữu từ 12.000 đồng/cp xuống còn 10.000 đồng/cp. Còn giá phát hành cho CBCNV theo chương trình ESOP thì nâng giá bán không dưới 15.000 đồng/cp, đồng thời phát hành cho CBCNV phải sau đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Còn đại diện Quản lý quỹ SSI lại cho rằng, HĐQT cần cân nhắc lại kế hoạch tăng vốn của công ty, bởi trong vòng 4 năm trở lại, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ. Nếu tiếp tục tăng vốn, có thể gây áp lực lên ban điều hành. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng hiện đang giảm, OPC hoàn toàn có thể sử dụng đòn bẩy tài chính mà không cần phải huy động từ cổ đông. Đối với chương trình ESOP, công ty cũng cần xem xét lại bởi năm 2012 đã thực hiện một lần nhưng vẫn không giữ chân được cán bộ chủ chốt. Vị này cũng đề nghị nâng cổ tức năm 2014 lên 25% thay vì 20%.

Tổng giám đốc OPC, ông Nguyễn Chí Linh và đại diện phần vốn của Tổng Công ty Dược Việt Nam cùng quan điểm, giữ nguyên mức giá phát hành ESOP nhằm khuyến khích CBCNV đóng góp nhiều hơn vào hoạt động của công ty.

Trước các ý kiến của cổ đông, OPC đã biểu quyết lại mức giá phát hành, kết quả 87,93% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội thông qua mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu giảm từ 12.000 đồng/cp xuống còn 10.000 đồng/cp. Và 80,58% cổ phần biểu quyết tại đại hội đồng ý giữ nguyên mức giá phát hành cho CBCNV.

Dự kiến, toàn bộ nguồn vốn huy động được sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho chi nhánh Hà Nội, xây dựng xưởng chế biến thuốc phiến và mở rộng mạng lưới phân phối thuốc phiến. Ông Vương chia sẻ, lượng thuốc phiến sử dụng tại các bệnh viện rất lớn, riêng thị trường Tây và Đông Nam bộ thì dược liệu thuốc phiến đấu thầu có thể lên tới 200 tỷ đồng. Trong khi OPC lại là đơn vị đạt tiêu chuẩn GMP/WHO về dược liệu nên rất có lợi thế.

Giải đáp việc không vay vốn ngân hàng, ông Trịnh Xuân Vương, Chủ tịch HĐQT OPC cho biết, Công ty muốn để dành phần lợi ích (lãi suất) sang cho cổ đông thông qua phát hành cổ phần. Quan điểm của OPC là sẽ chỉ vay ngân hàng cho những kế hoạch mở rộng mạng lưới lớn, hay đầu tư lớn nhưng chưa sinh lãi ngay, khấu hao lâu…

Ông Vương cho biết, do đặc thù ngành dược, nên OPC khó tăng cổ tức cho cổ đông. Do đó, việc phát hành thêm cũng là cách để OPC gia tăng thêm giá trị cho cổ đông, bởi mức cổ tức vẫn giữ nguyên 20% trên vốn điều lệ mới.

Kế hoạch kinh doanh không tăng trưởng

Năm 2015, OPC lên kế hoạch tổng doanh thu 615 tỷ đồng, lãi trước thuế 88 tỷ đồng và cổ tức 20%, tương đương với thực hiện năm 2014. Nhiều cổ đông cho rằng, kế hoạch của OPC không có sự tăng trưởng, cần có giải pháp quyết liệt để kết quả kinh doanh tốt hơn.

Ông Linh lý giải, trong khoảng 4 năm nay nhiều đơn vị trong Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) có mức tăng trưởng đều gần như đã bão hòa, bản thân OPC cũng có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, cộng đồng chung Asean vào cuối năm 2015 và lộ trình cam kết thực hiện WTO với ngành dược tạo sức ép cho các công ty nội địa phải cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà. Do đó, kế hoạch trên được tính toán kỹ lưỡng và không dễ thực hiện.

Năm 2015, OPC sẽ tập trung phát triển hệ thống phân phối cơ sở vật chất cho các chi nhánh tại Hà Nội, đặc biệt phát triển thị trường ETC và OTC vùng sâu, xa xôi hẻo lánh, miền núi, đồng bào dân tộc…Đối với việc nâng cấp tiêu chuẩn GMP cao hơn để mở rộng xuất khẩu, ông Linh cho hay, tiêu chuẩn GMP/WHO đối với đơn vị sản xuất thuốc từ dược liệu chưa có tiêu chuẩn rõ ràng mà chỉ mới đưa tiêu chuẩn của thuốc tân dược vào. Do đó, OPC không mạo hiểm đầu tư ngay vì chi phí lớn nhưng không chắc đem lại hiệu quả ngay.

Quý I/2015, OPC dự kiến đạtdoanh thu 150 tỷ đồng, 86,4% cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 20,2 tỷ đồng, bằng 88% cùng kỳ và đạt 23% kế hoạch.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán