Địa ốc 7 ngày: 17 công trình của đại gia Lê Thanh Thản chưa đại yêu cầu phòng cháy

 Đúng sai chuyện xây “chùa” trên tầng thượng chung cư là chủ đề hấp dẫn trong tuần qua. Các thông tin đáng chú ý khác bao gồm kết quả thanh tra dự án của đại gia Thanh Thản, quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, một nhà hàng bị tố xây trái phép tại Đồng Nai. 

Địa ốc 7 ngày: 17 công trình của đại gia Lê Thanh Thản chưa đại yêu cầu phòng cháy

1. Câu chuyện đầu tiên gây xôn xao dư luận thời gian gần đây liên quan đến ngôi “chùa” trên tầng thượng của dự án Hòa Bình Green City.

Sau nhiều lùm xùm quanh nghi án xây dựng “không phép”, chậm nộp thuế, bị tố làm lún, nứt nhà dân nhưng không bồi thường thỏa đáng, gần đây nhất, Hòa Bình Green City tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý khi chủ đầu tư dự án này cho xây một ngôi “chùa” trên tầng thượng của chung cư.

"Ngôi chùa" trên tầng thượng dự ánHòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Ảnh: Internet
Sự xuất hiện của “ngôi chùa” lạ gây ngạc nhiên cho nhiều người dân xung quanh, đồng thời dư luận cũng hết sức hiếu kỳ trước thông tin này.
Trước nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận về mục đích xây dựng và công năng của tòa nhà, mới đây, trả lời báo chí, chủ đầu tư dự án - đại diệnCông ty TNHH Hòa Bìnhcho biết đây là công trình mang tính cộng đồng, được xây dựng để người dân có chỗ hóa vàng dịp lễ tết, giỗ chạp.

Về phía nhà quản lý, đại diện cơ quan thanh tra khẳng định, Dự án không xây vượt tầng. Còn về tính hợp pháp của công trình, hiện chưa đơn vị nào có giải đáp rõ ràng.

Trong khi đó, trao đổi với báo ĐS&PL, ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, tất cả các công trình xây dựng phải tuân thủ phương án thiết kế đã được phê duyệt và phải có phép, những công trình ngoài giấy phép xây dựng đều là vi phạm.

Riêng việc xây dựng chùa miếu trong khu chung cư, chủ công trình cần phải thông báo với chính quyền địa phương và phải thận trọng vì liên quan đến nhiều vấn đề như hỏa hoạn, cháy nổ.

2. Thông tin đáng chú ý tiếp theo là việc 17 công trình của đại gia Lê Thanh Thản được xác định chưa đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Sau vụ cháy tại tòa nhà CT4A, Khu đô thị Xala (chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc) xảy ra hồi tháng 10 năm nay, Chủ tịch TP Hà Nội (lúc đó là ông Nguyễn Thế Thảo) chỉ đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đồng thời tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy toàn bộ tòa nhà chung cư tại khu đô thị Xa La.

Hiện trường vụ cháy tại tòa nhà CT4A, khu đô thị Xala
Ảnh: Internet
Tuần qua, theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, kết quả giám sát giám sát về việc chấp hành pháp luật trong công tác PCCC của Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội cho thấy, trong số các tòa nhà chung cư của Khu đô thị Xa La chỉ có tòa CT6A đạt yêu cầu với hệ thống báo cháy tự động, máy bơm vận hành đảm bảo áp lực.

Theo cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến tháng 3/2015, trong số 21 công trình nhà cao tầng của đại gia Thanh Thản, có đến 17 công trình chưa đạt yêu cầu về PCCC.

Cụ thể, 2 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định; 10 công trình đã thẩm duyệt, đưa vào hoạt động nhưng chưa nghiệm thu; 5 công trình đang thi công nhưng chưa được thẩm duyệt.

Được biết, trong hai tháng 9 và 10, cả 3 vụ cháy chung cư giá rẻ gồm vụ cháy tầng hầm CT4A khu đô thị Xa La, tầng 9 tòa B CT5 Xa La và tầng 19 HH4A Linh Đàm đều là do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu của Giám đốc Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.

3. Thông tin tiếp theo liên quan đến quy định bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình

Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng ; Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

4. Một câu chuyện gây chú ý trong tuần là vụ việc một nhà hàng tại Biên Hòa, Đồng Nai bị tố xây dựng trái phép, dính nghi án được “ưu tiên” cho tồn tại.

Nhà hàng ẩm thực Lam Viên (đường Đặng Văn Trơn, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu đình chỉ, tuy nhiên chủ nhà hàng vẫn tiếp tục cơi nới vượt phép và xây dựng hoành tráng. Đến nay, nhà hàng đã hoạt động nhộn nhịp được một thời gian khá dài.

Theo tìm hiểu của báo chí, cuối năm 2013, bà Đặng Thị Thu Trang - chủ nhà hàng có đơn xin phép UBND TP Biên Hòa cho cải tạo mặt bằng và trồng một số loại cây tạo bóng mát.

Thành phố đồng ý cho phép bà được thực hiện nhưng trong diện tích không quá 120m2. Việc sau đó bà Trang xây dựng Nhà hàng vượt quá diện tích cho phép bị người dân phản ánh lên cơ quan chức năng.

Đến cuối năm 2014, Phòng quản lý đô thị TP Biên Hòa đã kiểm tra và xác định chủ đất xây dựng không phép, thi công trên diện tích đất quy hoạch mở đường nên đã đình chỉ, ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng.

Tiếp đó, thành phố cũng ra quyết định yêu cầu tự tháo dỡ công trình. Song chủ đất không chấp hành mà làm đơn xin cứu xét, chuyển đổi phương án cải tạo mặt bằng và trình giấy phép kinh doanh làm khu dịch vụ ăn uống, vui chơi trẻ em.

Theo báo Tuổi trẻ, sau đó không lâu, Phòng tài nguyên - môi trường có văn bản trình Thành phố cho rằng, công trình vi phạm nằm trên khu đất chưa được triển khai dự án, nên đề xuất cho công trình vi phạm được tồn tại tiếp 5 năm, buộc chủ đất cam kết không cơi nới thêm.

Kết quả, lãnh đạo Thành phố chấp thuận và từ đó chủ đất tiếp tục mở rộng và xây dựng nhà hàng khang trang trên phần lớn diện tích vi phạm. Theo các nguồn tin, một lãnh đạo TP Biên Hòa cho biết sẽ xử lý vụ việc, nhưng chưa có phản hồi cụ thể.

Chuyển động địa ốc

Ngày 12/12, tại khách sạn Marriott, Hà Nội, Tòa căn hộ Eco Spring thuộc tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp Eco-Green City sẽ được giới thiệu ra thị trường.

Eco-Green City nằm trên trục đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), có tổng diện tích hơn 20.000m2, gồm 4 tòa nhà, mật độ xây dựng chỉ hơn 25%. Các căn hộ Eco Spring được thiết kế đa dạng, có diện tích từ 56m2 đến 106m2 với từ 2-3 phòng ngủ.

Tại TP.HCM, ngày 12/12/2015, Công ty TNHH Căn Hộ Vườn Phố Việt Nam chính thức mở bán 318 căn hộ hạng sang của tòa tháp Promenade - giai đoạn 2 thuộc dự án khu căn hộ cao cấp City Garden

Tòa tháp Promenade nằm trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, trên diện tích 22,889 m2, bao gồm 318 căn hộ cao cấp có diện tích từ 70m2 đến 161m2. Tại Promenade, không gian dành cho mảng xanh và tiện ích tổng thể City Garden chiếm đến 70% diện tích toàn bộ dự án, tương đương 17,000 m2.

Ngày 13/12, Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay với tổng vốn đầu tư 2.135 tỷ đồng do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư sẽ ra mắt.

Nằm trọn trong Bãi Khem, phía Nam đảo Phú Quốc, Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay có hơn 200 căn hộ nghỉ dưỡng. Được thiết kế bởi công ty Sala, các căn hộ nghỉ dưỡng có loại hình đa dạng từ studio đến penthouse, diện tích từ 30m2 đến 288m2.

Ngày 19/12 , tập đoàn FLC mở bán đợt 2 dự án FLC Complex Tower tại 36 Phạm Hùng, Hà Nội. Tổng diện tích của dự án hơn 4.000 m2, với 2 tầng hầm và 37 tầng nổi, gồm 480 căn hộ chung cư với các diện tích từ 54 - 131 m2. Dự án cũng được thiết kế đầy đủ các tiện tích, dịch vụ, bể bơi 4 mùa và sân đỗ trực thăng trên tầng thượng.

Trong đợt 1, giá bình quân căn hộ là 28 triệu đồng/m2, tính theo diện tích thông thủy, đã bao gồm VAT và 2% kinh phí bảo trì, thanh toán chia thành 7 đợt. Giới đầu tư dự báo, giá bán căn hộ FLC Complex Tower trong đợt hai không thấp hơn 35 triệu đồng/m2.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán