Sau ngày 1/10 sẽ ban hành cơ chế mới về xử lý nợ xấu

Sau cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp diễn ra ngày 1/10, khả năng sẽ có cơ chế mới về xử lý nợ xấu được ban hành.

 

Sau ngày 1/10 sẽ ban hành cơ chế mới về xử lý nợ xấu

 

Ngân hàng vẫn phải tự xử

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, hiện tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 8% (bao gồm cả 157.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại đang có nguy cơ trở thành nợ xấu).

Con số tuyệt đối không được NHNN công bố, song theo đánh giá của các chuyên gia, hiện con số nợ xấu ước khoảng 300.000 tỷ đồng. Nếu tính cả số nợ mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua về cất ở kho, thì con số này sẽ còn cao hơn.

Dù 3 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 53% tổng nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012 (464.000 tỷ đồng), song khối nợ xấu không đứng im đợi ngành ngân hàng giải quyết, mà đang tiếp tục phình to, tăng mạnh.

Trong khi đó, các giải pháp xử lý nợ xấu thời gian qua vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Tính đến thời điểm này, sau một năm hoạt động, VAMC đã mua vào 86.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng con số nợ xấu đã được VAMC xử lý chỉ trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn lực giải quyết nợ xấu vẫn chủ yếu dựa vào các ngân hàng.

Theo ước tính của Thống đốc NHNN, trong số hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý thời gian qua, nếu trừ đi 86.000 tỷ đồng mà VAMC đã mua vào (nhưng hầu như chưa được xử lý), thì con số còn lại chủ yếu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu lấy từ kho lợi nhuận của các ngân hàng, trong khi các biện pháp căn cơ hơn, như bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo… chưa có hiệu quả.

Sắp có cơ chế đột phá?

Nội dung làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp chưa được tiết lộ, song theo phán đoán của các chuyên gia kinh tế, mục đích chính của buổi làm việc là để tìm ra giải pháp xử lý 2 vướng mắc lớn nhất của xử lý nợ xấu hiện nay: nguồn tiền và cơ chế.

Trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cũng đề nghị 2 nội dung. Một là, có những quy định pháp lý đặc thù hơn, rõ ràng hơn cho VAMC. Hai là, nâng cao năng lực tài chính cho VAMC, nếu chưa có nguồn từ ngân sách thì cũng phải qua các nguồn công cụ của chính sách tiền tệ.

Hiện chưa rõ nguồn tiền cho VAMC sẽ được xử lý thế nào, song cơ chế cho VAMC sẽ có những đột phá trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo.

“Theo thống kê, một tài sản bị ngân hàng siết nợ phải mất 3 - 7 năm mới thu được tiền. Tốc độ xử lý như vậy sẽ gây ách tắc rất lớn trong vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như của VAMC. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng và vướng mắc cho VAMC. Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan có liên quan xử lý”, Thống đốc nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, nếu không bơm tiền hoặc ban hành những quyền năng đặc biệt cho VAMC, thì việc xử lý nợ xấu sẽ còn bế tắc. Chuyên gia này kiến nghị, nên cho phép VAMC bán tài sản đảm bảo.

Thông tin thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tháng 10/2014, Quốc hội cùng Chính phủ và các bên liên quan sẽ có đánh giá lại và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh xử lý nợ xấu trong năm 2015.

Theo Hà Tâm
Baodautu.vn

{fcomment}