Doanh nghiệp Mỹ trở tay không kịp với tốc độ thương chiến

Doanh nghiệp vất vả xoay sở khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến quá khó lường - Ảnh: Reuters

Ông chẳng thể ngờ 9 tháng sau những sản phẩm nêu trên lại bị nhắm đến, khiến JLab Audio gặp rủi ro còn lớn hơn trước.

Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng 8 thông báo kế hoạch áp thuế 300 tỉ USD hàng Trung Quốc. Vài mặt hàng sẽ được tạm tha cho đến ngày 15.12, nhưng sản phẩm của JLab Audio thuộc số đối tượng phải chịu thuế từ tháng 9 tới.

Hôm 23.8, nhà lãnh đạo Washington quyết định tăng thuế với 550 tỉ USD hàng Trung Quốc và kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rời khỏi thị trường châu Á này.

Sau đợt đình chỉ thuế quan tháng 8.2018, JLab Audio rót đến 1 triệu USD vào phát triển sản phẩm mới và chi thêm 500.000 USD thuê thêm lao động Mỹ. Khoản đầu tư hiện đang gặp rủi ro.

“Chúng tôi đầu tư vì tự tin rằng các sản phẩm (tai nghe, loa) không bị áp thuế lần nữa. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu họ không loại chúng khỏi danh sách thuế quan năm ngoái”, theo giám đốc Cramer.

Ngành công nghiệp hóa chất Mỹ cũng gặp rắc rối do có đến 111 mặt hàng nhập từ Trung Quốc nằm trong danh sách thuế mới nhất, mặc dù được miễn trừ trước đó với lý do đây là sản phẩm cần thiết cho ngành nông nghiệp và sản xuất.

Giám đốc Hiệp hội Hóa chất Mỹ (ACC) Ed Brzytwa phàn nàn: “Chính quyền không hề giải thích vì sao cứ thay đổi liên tục như vậy. Thật mập mờ”.

Theo ông Brzytwa, nhiều đơn vị sản xuất hóa chất nay tiêu tốn nguồn lực cho thuế quan thay vì cho nghiên cứu - phát triển (R&D) sản phẩm. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí đi lại.

Án binh bất động

Do thương chiến chưa có dấu hiệu kết thúc, doanh nghiệp đều rất chậm xúc tiến kế hoạch tương lai cho đến khi chính sách thương mại Mỹ rõ ràng hơn. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy đầu tư kinh doanh trong quý 2.2019 đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Giám đốc điều hành Dow Inc James Fitterling nhận định: “Cần giải quyết chiến tranh thương mại thì mới lấy lại niềm tin trên thị trường. Cho đến lúc đó, các nhà sản xuất hóa chất vẫn sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu”.

JLab Audio quyết định hủy bỏ kế hoạch tuyển dụng nhân lực ở Mỹ. Giám đốc Cramer liên hệ với một số nhà bán lẻ nhằm tìm hiểu khả năng họ chấp nhận sản phẩm tăng giá vì thuế.

Chỉ dựa vào tăng giá thì không thể bù đắp thuế quan nên JLab Audio còn xem xét đến hàng loạt phương án cắt giảm chi phí khác, từ nguồn tiền dành cho cà phê hay dọn dẹp vệ sinh cho đến hoạt động tiếp thị trong nửa cuối năm 2019.

Mở rộng đầu tư sang nước khác cũng là một phương án khả dĩ. JLab Audio chuẩn bị bắt đầu sản xuất tại Việt Nam kể từ tháng 1 năm sau, ông Brzytwa cho biết một số doanh nghiệp hóa chất đang xét lại dự định đầu tư tại Mỹ và muốn di chuyển dây chuyền sản xuất.

Thông báo mọi chuyện bằng Twitter

Ngoài mập mờ về thuế quan, giới doanh nghiệp Mỹ còn thấy mệt mỏi với cách thức chính quyền Washington truyền đạt hay thực thi chính sách. Giám đốc Cramer cũng như nhiều doanh nhân khác phải theo dõi trang Twitter của Tổng thống Trump hằng ngày để biết tin tức mới nhất về cuộc thương chiến.

Vào tháng 5, giám đốc Cramer đã sẵn sàng tuyển dụng thêm nhân viên cho văn phòng ở California cùng Texas, nhưng rồi kế hoạch bị trì hoãn do có thông báo đánh thuế mới.

Kế hoạch được tái khởi động lúc Tổng thống Trump tháng 6 tuyên bố “đình chiến”, tuy vậy đến khi giám đốc Cramer bắt đầu phỏng vấn ứng viên thì ngày 1.8 xuất hiện tin sắp có đợt áp thuế nữa.


Nguồn: Báo Một Thế Giới