Doanh nhân Lê Viết Hải, CEO địa ốc Hòa Bình: Chỉ tinh thần thép thôi chưa đủ

 Không giống như những gì người ta vẫn hình dung về một ông chủ doanh nghiệp xây dựng, thẳng thắn đến thô tháp, ít kiêng dè, kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã CK HBC), TOP 5 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam lại có phong cách nói chuyện đầy khiêm nhường, nhẹ nhàng, sâu sắc.

Doanh nhân Lê Viết Hải, CEO địa ốc Hòa Bình: Chỉ tinh thần thép thôi chưa đủ

Dẫu vậy, trong những câu chuyện của ông về con đường kinh doanh vẫn ánh lên tinh thần thép của người sáng lập và có 27 năm dẫn dắt Hòa Bình vượt qua nhiều sóng thương trường.

Lê Viết Hải bắt đầu câu chuyện về con đường lập nghiệp của mình bằng những hồi ức về một tuổi thơ vất vả. Năm Hải lên 9, cha anh, một hiệu trưởng trường trung tiểu học tại Thành phố Huế quyết định đưa vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Nhà đông con, nên Hải “chẳng có việc gì chưa từng làm qua để phụ giúp bố mẹ”, từ việc nhà cho đến việc sản xuất kinh doanh… Chính những năm tháng đó đã giúp Lê Viết Hải tích lũy được nhiều bài học quý cho hoạt động kinh doanh sau này, đặc biệt là bài học về chữ nhẫn, không ngại khó, ngại khổ, tận tâm tận lực với khách hàng.

Đã có lúc phải bán nhà vì Công ty

Hải kể, năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP. HCM. Sẵn chuyên môn cộng thêm đam mê kinh doanh từ nhỏ, nhận thấy tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn, năm 1987, Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.

Từ quy mô ban đầu chỉ gồm 5 kỹ sư và gần 20 công nhân, chỉ ba năm sau, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành công trình khách sạn Riverside (trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM), một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ. Từ cột mốc này, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center… Gây dựng thương hiệu từng chút một, Hòa Bình đã vươn lên vị thế TOP5 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất trong nước, là nhà thầu chính của nhiều dự án có quy mô hàng trăm tỷ đồng. Năm 2009, thời điểm thị trường xây dựng đang tăng trưởng tốt, Hòa Bình có doanh thu 1.763 tỷ đồng từ hoạt động xây lắp.

Không chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp, Lê Viết Hải còn mở mang hoạt động của Công ty sang mảng sản xuất vật liệu xây dựng. Xưởng mộc Hòa Bình được thành lập từ năm 1993, nhận thiết kế, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ cho các công trình. Hay xưởng sơn đá Hòa Bình được thành lập năm 1995 với nhiều sản phẩm độc đáo có nhãn hiệu Hodastone.

“Nhưng sự nghiệp kinh doanh của tôi không phải đơn giản như cách đánh dấu những cột mốc đi lên của Hòa Bình. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong việc điều hành Công ty. Có thời điểm, ba mẹ tôi phải bán nhà, mượn tài sản của anh em thế chấp ngân hàng, quay vòng vốn, giúp Công ty thoát khỏi vũng lầy”, ông Hải chia sẻ.

Và Lê Viết Hải kể về chiến thắng của đội bóng Hòa Bình trên sân Liverpool (Anh) trước những đội bóng đến từ châu Âu, châu Phi đầy tự hào. Theo ông, chiến thắng của các cầu thủ Việt Nam nhỏ bé trước “những gã khổng lồ” châu Âu, châu Phi chính là một bài học về tinh thần dũng cảm. “Đừng nên tự ti về sự nhỏ bé của mình, mà phải có quyết tâm giành chiến thắng. Trong kinh doanh cũng vậy, mình phải bền gan, vững chí, chấp nhận rủi ro, thách thức và có sự tỉnh táo, chủ động ứng phó với rủi ro”, ông Hải nói.

Tòa nhà vững chãi phải được xây trên nền móng chắc

Khi được hỏi liệu có tham vọng đưa Hòa Bình trở thành công ty có doanh thu tỷ đô trong tương lai, ông Hải trả lời bằng thái độ từ tốn nhưng đầy kiên quyết: “Đây không phải là ước mơ quá xa vời, nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn và nhân lực”.

Ông Hải nói: “Là một kiến trúc sư, tôi thấm thía rằng, việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Để có tòa nhà vững chãi thì phải xây dựng nền móng vững chắc. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”. Và nền tảng vững bền đó, theo ông Hải, chính là công nghệ thi công tiên tiến, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng quản trị tốt cộng với văn hóa doanh nghiệp đậm nét. Thông điệp đó được ông Hải truyền tải đến các thành viên trong HĐQT, nhân viên và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp.

Năm 2009, khi ERP (hệ thống hoạch định các nguồn nhân lực) còn là khái niệm khá mới đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư đồng loạt trên các dự án, tránh thất thoát và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Hiện Hòa Bình cũng là công ty xây dựng trong nước đầu tiên áp dụng phần mềm BIM trong công tác thiết kế, xây dựng các công trình lớn. Hòa Bình cũng là công ty xây dựng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp chứng chỉ Conquas của Singapore.

Ngay từ khi mới thành lập, Hòa Bình dưới sự dẫn dắt của ông Hải đã bắt đầu hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Hải cho biết, Hòa Bình có cơ hội làm việc với nhiều nhà thầu hàng đầu trên thế giới, mỗi nhà thầu lại có thế mạnh riêng, có bí quyết công nghệ, cách thức quản lý riêng, nhờ vậy mà học hỏi được kiến thức, công nghệ thi công tiên tiến, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho Công ty.

Đối với ông Hải, “mỗi công trình đều là một sự sáng tạo mới, công trình càng phức tạp thì đòi hỏi sự sáng tạo càng cao”. Nhờ phát huy sáng kiến của kỹ sư mà Hòa Bình đã rút ngắn được thời gian thi công những dự án như Novaland hàng tháng trời so với kỹ thuật thi công thông thường.

Đề cao vai trò của tố chất kiên trì, bền bỉ, nhưng theo ông Hải, với người làm kinh doanh, để chạm đến thành công, chỉ tinh thần thép thôi chưa đủ, mà cần phải có trí tuệ, cái tâm và cả chút may mắn.

Khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Hòa Bình nói “không” với việc “gặt lúa non” bán thầu cho doanh nghiệp khác, để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín lâu dài với doanh nghiệp và thị trường.

Cứu người cũng là cứu mình

Ngành xây lắp có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường bất động sản. Vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản lao dốc, hàng loạt công trình bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư cạn kiệt nguồn tài chính, cả hai mảng hoạt động là xây lắp và kinh doanh bất động sản của Hòa Bình đều chịu ảnh hưởng. Năm 2013, tỷ trọng doanh thu kinh doanh bất động sản của Hòa Bình giảm từ 32,4% xuống còn 23,9%; doanh thu hoạt động xây dựng chỉ bằng 84% mức thực hiện năm 2012, lợi nhuận chỉ bằng 20% năm 2012. Một số dự án Hòa Bình đang thi công bị đọng vốn, do chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Với quan điểm “Cứu người cũng là cứu mình”, ông Hải cùng HĐQT Hòa Bình đã chọn giải pháp tích cực tìm đối tác giúp chủ đầu tư có nguồn tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Có trường hợp, Hòa Bình mua luôn lại toàn bộ dự án và tiếp tục thi công. Cách làm này đã cho hiệu quả tốt. Hầu hết khách hàng của Công ty sau này đã trở thành những đối tác chiến lược của Hòa Bình.

Nuôi ước mơ vươn ra thế giới

Có một nền nếp được duy trì nhiều năm nay, trở thành một nét văn hóa đẹp tại Hòa Bình, đó là tổ chức chào cờ đầu tuần. Sau lễ chào cờ là chia sẻ thông điệp của Chủ tịch Công ty đến cán bộ công nhân viên: Hãy xem khó khăn thử thách là cơ hội để trưởng thành, luôn duy trì khát khao chinh phục những đỉnh cao mới.

Hiện Hòa Bình tập trung vào mảng thi công các công trình dân dụng, nhưng Công ty đang chuyển dần sang mảng thi công công trình hạ tầng, bởi ông Hải cho rằng, đây mới là mảng còn dư địa phát triển lớn. Mới đây, Hòa Bình đã có bước đi tiếp theo khi dự thầu và trúng thầu phần nhân công cho 6 trạm metro tại TP. HCM.

Đánh giá thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng, nhưng ông Hải cũng nuôi tham vọng đưa phạm vi hoạt động của Hòa Bình vươn ra khỏi biên giới quốc gia. Ông Hải đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà thầu lớn ở Nhật, Mỹ và châu Âu. Hiện Công ty đã mở rộng thị trường sang Malaysia và Myanmar với vai trò tư vấn dự án, quản lý xây dựng cho các nhà đầu tư. Ông Hải chia sẻ, năm nay, Hòa Bình nhận được 3 hợp đồng quản lý xây dựng tại Myanmar. Dù phí quản lý chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao.

“Quan trọng là việc đặt một chân ra thị trường nước ngoài sẽ giúp chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về thị trường mới. Chúng tôi sẽ đi theo hướng này một thời gian nữa, cho tới khi nắm vững được thị trường sẽ chuyển sang làm tổng thầu. Bước đi này rất quan trọng để khi thị trường xây dựng trong nước bão hòa, Công ty đã có nền tảng để sẵn sàng mở rộng thị trường ra nước ngoài ”, ông Hải chia sẻ.

An An

{fcomment}