Sở hữu chéo: Nền tảng phát sinh nợ xấu

 Nợ xấu là “cục máu đông nguy hiểm”, có thể gây ách tắc hoạt động hệ thống ngân hàng và cản trở sự phát triển kinh tế. Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015 đã và đang được đẩy mạnh. 

Sở hữu chéo: Nền tảng phát sinh nợ xấu

Tuy nhiên, tình hình nợ xấu vẫn gia tăng. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nhận diện đúng các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của hệ thống NHTM, từ đó đưa ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Thực tế cho thấy, ngoài các nhân tố kinh tế vĩ mô và các nhân tố bên trong ngân hàng, sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam chính là nguyên nhân khiến nợ xấu tăng.


6 hình thức sở hữu chéo

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sở hữu chéo đã được phân chia thành 6 hình thức chính gồm: sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM trong nước; cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ; sở hữu giữa các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần; sở hữu giữa các NHTM cổ phần và sở hữu các NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Trong đó, các NHTM nhà nước nắm giữ cổ phần tại các NHTM cổ phần hoặc tại các ngân hàng liên doanh là một trong những hình thức sở hữu chéo đáng lo ngại. Bởi vì các NHTM nhà nước nắm cổ phần có quyền chi phối tại các ngân hàng này, khiến các ngân hàng chịu ảnh hưởng trong các quyết định cho vay. Số liệu thống kê (Bảng 1 và Bảng 2) cho thấy, những ngân hàng liên doanh có tỷ lệ vốn sở hữu nắm quyền kiểm soát của các NHTM nhà nước có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với toàn ngành. Trong khi đó, các NHTM cổ phần có tỷ lệ vốn sở hữu không nắm quyền kiểm soát có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với toàn ngành.

Hình thức sở hữu chéo nào đáng lo ngại nhất?

Tuy nhiên, hình thức sở hữu chéo được coi là đáng lo ngại nhất, giống như một “mê cung”, chính là hình thức các NHTM cổ phần nắm giữ cổ phần lẫn nhau và hình thức sở hữu NHTM cổ phần của các tổ chức, tập đoàn, tư nhân. Giai đoạn 2006 - 2008, hệ thống NHTM Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn quy mô hoạt động, thu nhập ngân hàng gia tăng đáng kể cộng với sự phát triển TTCK khiến cho cổ phiếu ngân hàng ngày hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đã có không ít công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tập đoàn cổ phần tư nhân, dù không thuộc lĩnh vực tài chính, nhưng hiện đang đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng và là cổ đông lớn hoặc chủ sở hữu của ngân hàng. Ngay cả các ngân hàng cũng tham gia góp vốn lẫn nhau.

Thực tế, sở hữu chéo của các tập đoàn, tổ chức và cá nhân rất khó kiểm soát. Mặc dù tỷ lệ sở hữu của một tổ chức, cá nhân hay nhóm người có liên quan đều không lớn để đến mức nắm quyền kiểm soát, nhưng nhiều tập đoàn nhà nước, tư nhân và cá nhân đã lách luật để đứng tên sở hữu cổ phần nắm quyền chi phối ngân hàng.

Công khai danh tính ngân hàng

Theo số liệu báo cáo nợ xấu của các NHTM cho NHNN (Bảng 2), có hai xu hướng xảy ra liên quan đến sự ảnh hưởng của sở hữu chéo trong các ngân hàng đã được NHNN công khai danh tính chủ sở hữu nắm quyền chi phối đối với nợ xấu như sau: SCB, TinNghiaBank, Ficombank, Westernbank, SHB, Habubank, TrustBank, GP Bank là những ngân hàng đầu tiên phải tiến hành sáp nhập/tái cấu trúc theo đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ.

Đây là những ngân hàng có một chủ nắm quyền chi phối. Đằng sau thực tế một chủ nắm quyền sở hữu, các ngân hàng này đều tài trợ chính cho nhiều hoạt động đầu tư khác nhau của các DN do cùng chủ kiểm soát, đặc biệt là những dự án bất động sản. Hệ quả, khi yếu tố kinh tế vĩ mô bất ổn, thị trường bất động sản suy giảm khiến tình hình nợ xấu của các ngân hàng này tăng cao đột biến, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản, ảnh hưởng đến sự an toàn của toàn ngành.

DaiA Bank, VietBank, Nam A Bank, Southern Bank, Sacombank, PGBank, BaoVietBank, TPBank và Techcombank là những ngân hàng có nhóm đầu tư liên quan nắm quyền chi phối, nhưng tỷ lệ nợ xấu không cao so với toàn ngành. Điều này có thể có những giả thiết như sau: số liệu của các ngân hàng này chưa được công khai minh bạch; các ngân hàng này có chính sách quản trị rủi ro minh bạch khiến các ông chủ không thể lũng đoạn.

Ngoài các ngân hàng đã được NHNN công khai danh tính chủ sở hữu, qua kết quả thanh tra, có không ít ngân hàng TMCP cổ phần lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần. Cụ thể: có 5/33 NHTM cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; có 5/33 NHTM cổ phần có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 NHTM cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng có cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Việc nắm giữ cổ phần đủ lớn để chi phối ngân hàng là một yếu tố nguy hiểm mà nhiều nước trên thế giới gặp phải, điều đó tạo điều kiện cho những ông chủ ngân hàng lũng đoạn thị trường tài chính, làm sai lệch dòng vốn đầu tư, khiến nợ xấu gia tăng.

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước có cơ chế giám sát và hạn chế việc tài trợ cho các DN do cùng một chủ ngân hàng kiểm soát thì việc sở hữu chéo quá mức của tập đoàn nhà nước, tư nhân và cá nhân tại các NHTM tác động tiêu cực đối với rủi ro tín dụng sẽ được giảm thiểu. Trong quá trình tái cơ cấu NHTM, nên chăng, giao cho một chủ sở hữu quản lý nếu như có cửa chặn dòng tiền vào các DN của chính chủ đó.

TS. Lê Bá Trực, Ngân hàng Kienlongbank

{fcomment}