Nộp tiền tỷ cho chủ đầu tư để mua căn hộ, nhưng đến hạn bàn giao nhà, dự án chỉ vừa xong móng đã bị “đắp chiếu” từ vài năm nay. Khả năng đòi nhà, đòi tiền của khách hàng càng khó khăn hơn khi đại diện chủ đầu tư mang quốc tịch nước ngoài không chịu trở lại Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
Năm 2014, khi thị trường căn hộ có dấu hiệu ấm dần, hàng loạt chủ đầu tư đã khởi động lại dự án và tiếp tục chào bán căn hộ ra thị trường, thắp sáng niềm hy vọng có nhà của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, tại không ít dự án, khách hàng vẫn mờ mịt không biết khi nào mới có thể nhận nhà. Khả năng đòi lại tiền góp vốn cũng trở nên khó khăn hơn, khi đại diện chủ đầu tư bị bắt, hoặc bỏ ra nước ngoài, không chịu về nước để giải quyết tranh chấp với khách hàng.
Cụ thể, hàng trăm khách hàng mua căn hộ B5 Cầu Diễn của CTCP Tập đoàn nhà đất Housing sẽ khó có thể đòi lại được tiền mua nhà, khi người đại diện công ty này là bà Châu Thị Thu Nga mới đây đã chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam. Mặc dù lãnh đạo Housing Group khẳng định sẽ tiếp tục triển khai dự án, nhưng khách hàng cũng không biết khi nào mới có thể nhận được nhà.
Cũng giống khách hàng Dự án B5 Cầu Diễn của CTCP Tập đoàn nhà đất Housing, hơn một trăm khách hàng đã nộp hơn 400 tỷ đồng mua căn hộ tại Dự án Tricon Tower tại An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) do CTCP Đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư từ vài năm nay cũng khốn đốn trong việc đi đòi tiền, đòi nhà từ chủ đầu tư.
Theo đó, thời điểm năm 2009 - 2010, hàng trăm khách hàng đã nộp cho Công ty Minh Việt cả tỷ đồng để mua căn hộ tại Dự án tổ hợp cao cấp Tricon Tower, thậm chí, nhiều khách hàng đã chấp nhận nộp đến 70% giá trị căn hộ để được chiết khấu 5% giá bán, dù dự án chỉ mới xong phần móng. Thế nhưng, đến hạn bàn giao nhà vào cuối năm 2011, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và không được triển khai thi công. Từ đó đến nay, dự án bị “đắp chiếu”, trong khi trụ sở làm việc của chủ đầu tư cũng liên tục thay đổi. Khả năng đòi tiền, đòi nhà của khách hàng mua căn hộ tại Dự án Tricon Tower còn khó khăn hơn, khi người đại diện chủ đầu tư là ông Edward Chi, mang quốc tịch Mỹ, đã không còn ở Việt Nam từ vài năm nay để giải quyết tranh chấp. Trụ sở của doanh nghiệp này tại C1, D6, Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) cũng không còn. Thay vào đó, tòa nhà được chủ sở hữu chuyển đổi sang kinh doanh khách sạn.
Dù vậy, trong cuộc trao đổi mới đây, ông Trần Minh Quang, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 2, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, từ khi đăng ký kinh doanh (năm 2007) đến nay, Công ty Minh Việt chưa có thông báo giải thể hay tạm dừng hoạt động. Cơ quan này cũng chưa nhận được thông tin doanh nghiệp có vi phạm nên chưa có xử lý. Trong khi đó, trên cơ sở dữ liệu của Cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động bình thường!?
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Thanh Hải, một khách hàng mua căn hộ tại Dự án Tricon Tower cho biết, ông từng phản ảnh vụ việc này đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cổ đông lớn của Công ty Minh Việt, cũng như cần sớm vào cuộc điều tra và đưa ra hướng xử lý đối với dự án này để đảm bảo quyền lợi khách hàng mua nhà tại dự án. Tuy nhiên đến nay, mọi việc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Giám đốc Công ty Luật Intercode, trong tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ Dự án Tricon Tower, đến nay dấu hiệu hình sự vụ việc đã rất rõ. Vì thế, khách hàng có thể tố cáo với cơ quan có trách nhiệm theo hình thức một vụ án hình sự, đồng thời thông qua Văn phòng Interpol Việt Nam yêu cầu Interpol quốc tế dẫn độ người đại diện chủ đầu tư về nước để giải quyết tranh chấp.
Cũng theo Luật sư Thắng, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cũng cần yêu cầu cơ quan chức năng sớm xác minh trách nhiệm đối với pháp nhân công ty chủ đầu tư là tập thể HĐQT (hoặc HĐTV). Bởi pháp nhân này sẽ phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của khách hàng.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, do không thể liên lạc và tiếp cận được đại diện của CTCP Đầu tư Minh Việt để giải quyết quyền lợi, những người mua nhà tại Dự án Tricon Tower đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay, khách hàng vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể nào từ những người có trách nhiệm.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Cầu vốn đang dần cải thiện
-
Thúc doanh nghiệp đại chúng quan tâm đến quản trị công ty
-
Khối ngoại chốt lời trên HOSE, chuyển tiền sang HNX trong phiên 29/9
-
Giao dịch chuyển nhượng dự án gia tăng
-
Chợ Đồng Xuân bán hàng giả cả... quần áo
-
Taxi 'biến hóa' biển số, công khai đón khách sai quy định ở Hà Nội
-
Cua biển gắn mác Cà Mau giá siêu rẻ
-
Khách vẫn chịu chi, hoa 20/10 tiền triệu đắt hàng như tôm tươi
-
Tuần phim ASEAN 2022 tại Việt Nam
-
Chủ đầu tư Golden Palace “bỏ bom” khách hàng