Dự án lọc dầu gần 30 tỉ USD chết yểu

Sau 3 năm đăng ký đầu tư, đến nay “siêu” dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội với tổng vốn gần 30 tỉ USD vẫn còn nằm trên giấy

Ngày 18-4, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết hiện Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cùng với đối tác Saudi Aramco (Tập đoàn Dầu mỏ Ả Rập Saudi) vừa gửi thông báo có thể sẽ thay đổi quy mô, giảm công suất và lùi tiến độ đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội so với kế hoạch ban đầu.

Siêu dự án

Năm 2009, PTT đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định. Đầu năm 2013, PTT chính thức đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu ASEAN tại Khu Kinh tế (KKT) Nhơn Hội với tổng vốn đầu tư 28,7 tỉ USD. Dự án này dự kiến được xây dựng trên diện tích 2.000 ha, công suất 660.000 thùng/ngày (tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm).

Sau nhiều lần điều chỉnh, tháng 9-2014, UBND tỉnh Bình Định, PTT và Saudi Aramco nộp báo cáo khả thi chi tiết về dự án lên Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 19-12-2014, dự án được đổi tên thành Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025.

Dự án lọc dầu gần 30 tỉ USD chết yểu - 1

Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội đến nay vẫn chỉ là bãi cát mênh mông

Qua báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 1.400 ha; phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khoảng 22 tỉ USD với công suất 400.000 thùng/ngày. Sau năm 2020, PTT tiếp tục nâng công suất giai đoạn 2 lên 30 triệu tấn/năm và vốn đầu tư sẽ tăng lên gần 30 tỉ USD.

Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào quý I/2017 và có sản phẩm đầu tiên vào quý I/2021. Mục tiêu mà PTT hướng tới là tiêu thụ trong nước 50% sản phẩm, số còn lại xuất khẩu.

Giá dầu giảm, dự án “ngâm”

Kế hoạch là thế nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nơi dự định xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu chỉ là một bãi cát trắng mênh mông. Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Nhơn Hội, nguyên nhân là do PTT và đối tác vẫn chưa chính thức nộp hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án.

“Dự án đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Hiện PTT đang thuê chuyên gia nghiên cứu, đánh giá để cơ cấu lại toàn bộ dự án. Đối tác của PTT là Saudi Aramco cũng xin gia hạn đến tháng 6 -2016 mới trả lời chính thức về việc triển khai dự án như thế nào, tiến độ ra sao” - ông Toàn cho biết.

Ông Hồ Quốc Dũng thông tin thêm, PTT và đối tác Saudi Aramco vừa thông báo có thể thay đổi quy mô, giảm công suất và lùi tiến độ đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh dưới mức 22 tỉ USD, công suất giảm xuống mức 400.000 thùng/ngày.

“Rút dự án hay không thì PTT cũng không nói rõ, mà làm hay không thì họ cũng đang chần chừ. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc dứt điểm với PTT. Nếu họ thật sự muốn triển khai dự án thì tỉnh sẽ làm việc với các bộ, ngành tính toán lại mức ưu đãi trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Còn nếu họ không làm thì tỉnh sẽ tính hướng khác chứ không thể để dây dưa được” - ông Dũng nói. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, hiện có một số doanh nghiệp xin sử dụng quỹ đất của dự án này để đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch…

Ông Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam:

Không khả thi

Nói về tính hiệu quả của một dự án lọc hóa dầu thì phải tính toán đến việc dự án có thể bảo đảm hoàn vốn, khấu hao trong bao nhiêu năm, có khả năng chịu đựng được lãi suất vay, công nghệ có hiện đại để bảo đảm lợi nhuận cao không? Vấn đề giá dầu giảm không phải là yếu tố quan trọng mà chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả dự án ở một mức độ nào mà thôi. Thực tế, giá dầu thấp ảnh hưởng đến phần xăng dầu khai thác để bán thô, còn phần lọc dầu thì không sao cả, thậm chí giá dầu thấp sẽ khiến đầu ra thấp, cạnh tranh được với thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, tình hình chung của ngành lọc dầu là khó khăn. Nhà máy lọc dầu phải mất 20 năm để khấu hao hết phần vốn vay. Hiện nay, lợi nhuận của ngành lọc dầu trên thế giới đều rất thấp, chỉ khoảng 5%-6%. Do vậy, những nhà máy đã hoàn thành hết khấu hao thì mới có cơ hội sống sót. Còn những dự án dở dang như Nhơn Hội thì rất khó khả thi bởi lợi nhuận sẽ bị bào mòn, thậm chí âm do phải trả hết khấu hao, ảnh hưởng của lạm phát. Theo tôi, không nên thực hiện dự án này.

PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội):

Xem xét lại quy hoạch chung

Trong tình hình giá dầu chưa có gì sáng sủa thì các nhà đầu tư của dự án trên xem xét việc điều chỉnh tiến độ, quy mô cũng là điều dễ hiểu bởi giá dầu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Hiện nay, giá dầu cũng đang ảnh hưởng đến một số nhà máy lọc dầu của các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, kể cả không chịu tác động của giá dầu thì vẫn phải tính toán lại quy hoạch chung vì đầu tư quá nhiều nhà máy lọc dầu trong bối cảnh sản phẩm làm ra không cạnh tranh được thì không ổn. Cũng phải xem xét đến lượng xăng dầu nhập khẩu của chúng ta: nhập đến 70% sản lượng tiêu thụ nên chỉ còn 30% dành cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang lao đao, dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội còn chưa đâu vào đâu… Đây là ví dụ nhãn tiền để chúng ta điều chỉnh lại quy hoạch.

Ph.Nhungghi

Nguồn 24h