Đó là đề xuất của TS. Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Cũng như ý kiến của nhiều DN, bà đề nghị vấn đề này cần được khắc phục khi sửa đổi Bộ Luật Dân sự (BLDS), để giảm thiểu rủi ro cho DN.
DN méo mặt vì hợp đồng bị tuyên vô hiệu
Tại Hội thảo “Bộ Luật Dân sự - Dưới góc nhìn của doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo BLDS sửa đổi, tổ chức ngày 9/4, nhiều ý kiến cho rằng đang có tình trạng lạm dụng trong tuyên hợp đồng vô hiệu, khiếu DN “méo mặt”.
Thế nhưng, theo bà Hằng, dự thảo BLDS sửa đổi lại chưa bổ sung quy định để khắc phục tình trạng này, khi quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, dự thảo đưa ra nội dung không rõ ràng rằng: hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định…
Để tránh tình trạng lạm dụng đưa ra các phán quyết hợp đồng vô hiệu, nhằm tăng tính an toàn pháp lý cho các giao dịch, dự thảo cần làm rõ trường hợp nào một hình thức được coi là điều kiện có hiệu lực.
Để giải quyết vấn đề này, Ban soạn thảo nên phát huy quy định như trong Luật Trọng tài với quy định: muốn coi một hình thức là điều kiện có hiệu lực, thì phải nói rõ nếu vi phạm thì vô hiệu. Còn ngược lại thì đây không là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch.
Bởi vậy, dự thảo cần bổ sung theo hướng: hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định phải tuân thủ một hình thức nhất định và khi không tuân thủ hình thức này, thì giao dịch dân sự vô hiệu.
Một vấn đề chưa ổn khác, theo TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Ngân hàng Quốc dân, là dự thảo quy định về thời hiệu khởi kiện theo hướng cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong thời hạn luật định.
Hết thời hạn đó, mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyến bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự…
Việc không giới hạn thời hiệu khởi kiện như dự thảo, dẫn đến một bên trong quan hệ giao dịch dân sự bị bên có liên quan khởi kiện bất cứ lúc nào. Điều này là rất bất ổn, vì bị đơn biến thành “nô lệ”, thậm chí “nô lệ” suốt đời của bên nguyên đơn.
Mặt khác, việc thời hiệu khởi kiện vô hạn như dự thảo sẽ khiến đến vài chục, thậm chí hàng trăm năm sau khi tranh chấp xảy ra, bên nguyên đơn vẫn có thể kiện bên bị đơn, trong khi với thời hạn kéo dài như vậy hệ thống pháp luật đã thay đổi, dẫn đến không có cơ sở pháp lý để tòa án, trọng tài đưa ra phán quyết giải quyết vụ kiện.
“Dự thảo cần khống chế thời hiện khởi kiện, nếu không sẽ làm tăng tính tùy tiện trong khởi kiện, cũng như hoạt động xét xử…”, ông Khánh cảnh báo.
Điều chỉnh hợp đồng là cần thiết, nhưng cần tránh bị lợi dụng
Một điểm mới của dự thảo BLDS sửa đổi thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC là quy định: trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng…
Cho rằng bổ sung quy định trên vào dự thảo BLDS sửa đổi là cần thiết, nhưng luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin& Vecchi cảnh báo, quy định này có thể bị lợi dụng bởi một trong các bên nhằm trốn tránh nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng. Lý do là bởi “quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, là cách diễn đạt quá rộng, nên có thể dẫn đến sự tùy tiện trong giải thích, áp dụng luật.
Ví dụ, hoàn cảnh thay đổi dẫn đến mất 50% lợi nhuận, hay mất hoàn toàn lợi nhuận của một bên, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng có thể coi là “ảnh hưởng nghiêm trọng” không? Để xử lý vấn đề này, thay vì quy định “quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, thì nên sửa đổi thành “mục đích chính của một trong các bên khi ký kết hợp đồng không thể đạt được”. Lý do là bởi việc xác định mục đích khi ký kết hợp đồng của các bên chắc chắn sẽ dễ dàng hơn so với việc đong đếm thế nào là “quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”…
Đại diện cho Ban soạn thảo dự án BLDS sửa đổi, TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân dự, Kinh tế, Bộ Tư pháp nhìn nhận nhiều ý kiến đề xuất, góp ý của cộng đồng DN có tính thực tiễn và khả thi cao, nên Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu, để khi BLDS sửa đổi được ban hành sẽ góp phần bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, DN tốt hơn.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Đại gia ngoại không dễ bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam
-
Bất động sản, kênh đầu tư sinh lời hiệu quả
-
Dịch vụ cho thuê máy photocopy giá rẻ
-
Giá vàng tăng gần nửa triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa
-
Ngân hàng `dội bom` tin nhắn rác tìm nhân tài
-
Hai lần xét nghiệm của tỷ phú Elon Musk cho kết quả dương tính với COVID-19
-
Khối ngoại bán ròng 200 tỷ đồng trên HOSE, đổ tiền trở lại HNX
-
Làng Phù Yên: Làng mộc truyền thống Hà Nội hơn 20 năm dựng nhà cổ tiền tỷ
-
CSV: Sau soát xét, chi phí khác tăng đột biến, lợi nhuận giảm 11%
-
Môn tập luyện dành cho người chán khung cảnh phòng gym