Đừng nhầm lẫn bệnh cúm, cảm lạnh với Covid-19

Triệu chứng của bệnh Covid-19 có thể nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường, nhất là với những trường hợp đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, những bệnh đường hô hấp như viêm phổi, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, bạch hầu… vẫn có nguy cơ bùng phát trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cơ thể nhạy cảm với virus trong mùa lạnh

Thời tiết Hà Nội chuyển lạnh nên hơn một tuần nay, chị Nguyễn Thu H. (46 tuổi, ở quận Hoàng Mai) luôn trong tình trạng hắt hơi, sổ mũi, khàn tiếng, ho nhiều… Dù đã tiêm đủ liều vắc-xin nhưng khu vực xung quanh có nhiều người mắc Covid-19 khiến chị không khỏi lo lắng và tự xét nghiệm nhanh Covid-19 ở nhà.

Kết quả là âm tính nhưng chị H. vẫn chưa yên tâm bởi khu vực chị sinh sống là vùng dịch "màu cam" nên chị lại đến bệnh viện khám. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chị H. được chẩn đoán nhiễm cúm mùa. "Bình thường, cứ mỗi đợt thời tiết thay đổi thì tôi thường bị cúm mùa. Cả tuần người mệt mỏi, ngây ngấy sốt, "ho như cuốc kêu", không làm được việc gì. Sau khi nghỉ ngơi, tẩm bổ để tăng sức đề kháng, sức khỏe tôi tốt dần. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, chỉ cần hắt hơi, sổ mũi là đã nghĩ mình có thể bị mắc Covid-19" - chị H. nói.

Tiêm vắc-xin cho người dân tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) Ảnh: HẢI ANH

Chị Hoàng Bích Ng. (32 tuổi) có con trai 6 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương cho biết trước khi nhập viện 3 ngày, bé xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi. Gia đình cho bé uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy bé có biểu hiện thở nhanh, sốt, khò khè thì gia đình đưa đến bệnh viện. Cháu bé được chẩn đoán bị nhiễm virus hợp bào hô hấp. Sau gần 1 tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt, hiện tình trạng sức khỏe của bé tiến triển tốt nhưng vẫn phải theo dõi thêm.

PGS-TS Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra còn có các loại virus khác như: Rhinovirus, hMPV, Adenovirus, cúm... Đây một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu - đông hoặc xuân - hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm). Bệnh hay gặp ở nhóm dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, trong khi bệnh Covid-19 và cúm mùa có các biểu hiện tương tự, gần giống nhau. Tổ chức Y tế thế giới thống kê hằng năm có hơn 4 triệu trẻ em tử vong vì bệnh viêm hô hấp cấp (chủ yếu do viêm phổi), trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 - 6 lần/năm.

Lưu ý, vào mùa lạnh khiến người cao tuổi, người có bệnh nền... không đủ sức đề kháng để kịp thích ứng với nhiệt độ nên đường thở dễ bị nhiễm cảm, dẫn đến các đợt kịch phát hơn so với các mùa khác.

Phân biệt bệnh Covid-19 với bệnh cúm

Theo giới chuyên môn, cảm cúm, cảm lạnh là căn bệnh thường gặp và hầu như không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khỏe của người trưởng thành nhưng lại ảnh hưởng lớn tới trẻ em nếu mắc phải. Nguyên do là bởi trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu gặp điều kiện bất lợi có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp như phổi, phế quản.

Với bệnh Covid-19, những người mắc bệnh khi chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, viêm họng, sổ mũi, ho dai dẳng. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất khứu giác, khó thở… Nếu bệnh nặng, ngoài tổn thương ở cơ quan hô hấp còn gây khó thở, suy hô hấp…

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy những người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ liều mà mắc bệnh thì triệu chứng nhẹ hơn, giống như cảm cúm và ít gây biến chứng nặng so với người chưa tiêm chủng. Phần lớn các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc-xin khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng ít trầm trọng và hiếm khi phải nhập viện, thậm chí tỉ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh Covid-19 và cúm có triệu chứng tương tự, gần giống nhau. Tuy nhiên, người bị Covid-19 thường chỉ ho, ho khan, ho dai dẳng, sốt, mất khứu giác, khác với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi của cúm.

Bệnh cảm lạnh thường nhẹ hơn so với cúm, có thể khỏe lại sau vài ngày. Triệu chứng thông thường của cảm cúm, cảm lạnh bao gồm sốt, ho, đau mỏi người, có các tổn thương viêm long đường hô hấp… Hiện nay, tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin ngày càng cao nên triệu chứng của bệnh Covid-19 ngày càng nhẹ và khó nhận biết hơn, vì vậy để xác định đúng bệnh, cần dựa vào yếu tố dịch tễ và thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 khi cần.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền tư vấn: Trong thời tiết chuyển mùa cần giữ ấm cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao, thực hiện dinh dưỡng hợp lý; vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý; vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay để hạn chế lây truyền mầm bệnh. Cần nâng cao đề kháng bằng nhiều vắc-xin khác như vắc-xin cúm mùa, thủy đậu, sởi - quai bị - Rubella, viêm màng não, viêm não Nhật Bản… Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ, thực hiện các liều tiêm bổ sung và nhắc lại theo khuyến cáo bởi vắc-xin là tấm lá chắn phòng Covid-19 hữu hiệu nhất, đặc biệt với người ngoài 50 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính.

Các chuyên gia khuyến cáo nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 cộng với yếu tố dịch tễ nguy cơ thì tự cách ly tại nhà, tuân thủ 5K, thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 hoặc gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/dung-nham-lan-benh-cum-cam-lanh-voi-covid-19-20220103184450415.htm