Qua tay mỗi khâu là giá bán lẻ lại được thương nhân, tiểu thương đẩy lên cao hơn một chút, tới khi đến tay người dùng, giá bán lẻ của một sản phẩm hàng hoá nào đó đã cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí là vài chục lần so với giá gốc. Thực tế này, ai cũng biết, nhưng để tìm ra được “thuốc đặc trị” có lẽ là một chuyện không hề đơn giản.
Chi phí trung gian vô lý
Giá lợn hơi lúc lên cao, lúc xuống rất thấp nhưng giá thịt lợn bán đến tay người tiêu dùng lại không hề giảm. Đó là nghịch lý diễn ra từ nhiều năm nay, khiến người dùng chấp nhận nó như một sự cam chịu. Theo bà Nguyễn Thu Nga, 67 tuổi, đang sống tại phố Hoàng Ngọc Phách (Đống Đa, Hà Nội), từ trước đến nay bà vẫn mua thịt lợn ở một hàng quen ngoài chợ cóc gần nhà, nhưng bà đã bỏ thói quen hỏi giá trước khi mua hàng. Vì rất lâu nay giá thịt lợn dường như không hề giảm, dù bà có đọc báo, xem tivi biết giá thịt lợn hơi bán ra tại các trang trại đã giảm rất sâu.
“Không bao giờ tôi hỏi giá, bởi có hỏi giá ở hàng nào cũng vậy, dù giá lợn giảm thấp nhất. Nhưng thịt lợn bán ngoài chợ tôi vẫn phải mua với mức giá 85.000 - 110.000 đồng/kg, tuỳ từng loại thịt” – bà Nga cho biết.
Không riêng gì thịt lợn, mà rất nhiều loại hàng hoá khác hiện nay cũng đang bị khâu bán lẻ “làm giá”. Nói về vấn đề này đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia súc, gia cầm Việt Nam cho rằng, trong chuỗi chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Chẳng hạn, một chu kỳ vòng nuôi gà, người chăn nuôi chỉ lãi khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi người thu gom lãi 10.000 - 15.000 đồng/kg và người giết mổ lãi 8.000 - 12.000 đồng/kg. Điều này cho thấy người thu gom và người giết mổ đang thu lời cao hơn người chăn nuôi gấp 3 đến 4 lần.
Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi, giá gà đến tay người dùng bị đẩy lên cao, khiến sức mua suy giảm. Trong khi đó, người chăn nuôi hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn, từ việc tiếp nhận các thông tin từ thị trường cho tới các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, hàng hoá trên thị trường bán lẻ đang bị tác động bởi chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý, chưa được khắc phục một cách bài bản, nên vẫn đang đứng ở một mức giá cần phải có những điều chỉnh xuống để phù hợp hơn với thực tiễn.
“Câu chuyện quả trứng gà ở Vĩnh Phúc chỉ 20.000 đồng/chục, sau khi đi một đoạn đường 65km, giá bán lẻ tại các siêu thị khoảng 43.000 - 47.000 đồng/chục. Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, bởi 1 quả trứng chịu 14 loại phí và 1 quả trứng đã qua 2 - 3 tay nhà buôn, trên thị trường, các hàng hoá khác cũng bị tình trạng tương tự nên giá cả mới bị đẩy lên cao, và tất nhiên là người tiêu dùng đang phải chịu thiệt thòi nhất” - ông Phú nói
Cần những giải pháp căn cơ
Tình trạng hàng hoá bị ép giá, ép cấp vẫn xảy ra với nhiều mặt hàng khác trong năm. Ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ, tại Đồng Tháp, 1 kg chanh quả bán tại gốc được có 200 - 300 đồng/kg, nhưng khi bán ở Hà Nội và một số tỉnh khác là 20.000 - 30.000 đồng/kg, gấp khoảng 100 lần so với giá gốc. Dừa Bến Tre bị ép giá để đến khi bán lẻ tăng từ 2 đến 4 lần giá thương lái mua của bà con tại vườn...
Sự minh bạch của ngành bán lẻ, công tác quản lý và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng hiện còn quá nhiều bất cập. Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế chỉ rõ đó là hiện tượng “cố tình ăn dày”. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra chính là hệ thống lưu thông phân phối hàng hoá của chúng ta đang qua quá nhiều khâu trung gian. Trong mỗi khâu đó, người tham gia phân phối phải làm sao bảo đảm có lãi. Họ sẽ cố phải làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất. Quá trình này không có sự xuất hiện của người sản xuất và người tiêu dùng, hai đối tượng đang chịu thiệt thòi nhất trong cuộc đua về giá cả hiện nay.
Theo các chuyên gia, cần phải giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết như hiện nay. Thay vào đó, tại sao người nông dân không bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp, để sản xuất cung ứng hàng hoá cho doanh nghiệp. Việc ký kết hợp tác giữa nhà phân phối và vùng cung cấp hàng hoá là cần thiết. Dẹp bỏ bớt khâu thương lái, nhà vườn sẽ bán được giá tốt, mà người mua cũng được mua với giá cả hợp lý hơn...
Nguồn GDTĐ
-
iPhone 15 chưa ra mắt, iPhone 16 Pro đã lộ thông số 'khủng'
-
Xác định danh tính người bị giết, phi tang ở Sài Gòn
-
Bộ Xây dựng đánh tiếng mời đầu tư chiến lược vào IDICO, HUD, VICEM và Sông Đà
-
Price Action - Phương pháp phân tích các mô hình giá trên biểu đồ
-
10 tháng, MCF vượt kế hoạch kinh doanh cả năm
-
Nhà đẹp từng mi-li-mét của "Người phụ nữ ngăn nắp nhất"
-
Bất động sản Việt Nam, cơ hội vươn khơi
-
LG G4 Stylus và G4C trình làng, giá tầm trung
-
Biệt thự 9 triệu USD của ngôi sao nhóm Linkin Park
-
Tư vấn giải pháp lựa chọn sản phẩm công nghệ - Camera