Tất cả các nguy cơ khiến khoản vay có thể mất trắng đều là các nguy cơ dẫn tới con đường… vào tù của nhân viên tín dụng ngân hàng.
Luật sư Trần Mình Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Bảo hiểm BASICO vừa ra mắt cuốn sách “Hiểu nghề giữ nghiệp: Những bài học pháp lý cho nghề tín dụng ngân hàng”.
Luật sư Trần Minh Hải đã sử dụng tư liệu của hơn chục năm đảm đương vị trí giám đốc pháp chế, thành viên Hội đồng quản trị tại 4 ngân hàng lớn, cùng kinh nghiệm suốt chiều dài trực tiếp tham gia các vụ án lớn nhỏ để hình thành nên 26 bài học pháp lý về nghiệp vụ trong cuốn sách. Mỗi bài học là một câu chuyện thực tế nhìn từ các vụ án, đặc biệt là các đại án ngân hàng. Đó là bài học về thẩm quyền quyết định trong doanh nghiệp, về rủi ro khi cho vay qua trung gian, những nhận thức sai lầm đối với nghiệp vụ bảo lãnh, nguy cơ khi cho vay vượt giới hạn…
Tài sản bảo đảm là phao cứu sinh cho nghiệp vụ tín dụng, nhưng đôi khi phao cứu sinh này “thủng”, dẫn đến không thể thu hồi khoản vay bởi rủi ro pháp lý như nhầm lẫn sở hữu vợ - chồng, thừa kế, nguy cơ vô hiệu khi nhận bảo đảm qua ủy quyền...
Yếu tố quan trọng đầu tiên để hiểu được nghề và sau đó giữ được nghiệp mà Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh là nhân viên tín dụng phải biết “sợ” những trách nhiệm pháp lý có thể phải gánh chịu. Bất cứ một sự nể nang hay thông cảm nào hôm nay đều có thể đem tới nguy cơ phải đứng trước vành móng ngựa sau này. Phải biết sợ để tuân thủ đúng các quy định nghề nghiệp!
Tiếp đó, nhân viên tín dụng cần trang bị những kiến thức pháp lý để nhận diện rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong các khoản vay. Điều này giúp nhân viên tín dụng cân nhắc, tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi trách nhiệm cho bản thân. Bài học từ những vụ án đã xảy ra cho thấy, những rủi ro này “mai phục” khắp nơi, từ chuyện nhỏ nhặt như biên bản kiểm tra khoản vay, quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng của doanh nghiệp, đến chuyện lớn hơn như tài sản bảo đảm bỗng nhiên vô giá trị…
Một điểm đáng chú ý khác, “Hiểu nghề giữ nghiệp” mạnh dạn đề cập đến khía cạnh tế nhị giữa sếp và nhân viên khi nhân viên cần phải từ chối một khoản vay có dấu hiệu “nguy hiểm” mà sếp giao cho lập hồ sơ. Không ít nhân viên ngân hàng đã phải đứng trước vành móng ngựa chỉ bởi vì “làm theo lệnh sếp”, nhưng cũng không thể thẳng thừng nói “không” với lệnh sếp.
Khi không thể thoái thác và buộc phải tham gia trình duyệt một khoản vay có vấn đề, vấn đề đặt ra là làm sao để mình vô can hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu khoản vay phát sinh vấn đề? Hoặc trường hợp gặp sự cố nghề nghiệp, phải đối diện như thế nào? Có một số bí quyết được chỉ dẫn cụ thể chắc chắn sẽ giúp ích cho nhân viên tín dụng trong những tình huống vốn không có trong sách giáo khoa hay giáo trình giảng dạy nào.
Với hy vọng giúp nhân viên tín dụng có “sự nghiệp thăng tiến mà không bị ảnh hưởng bởi những hậu quả pháp lý từ quá khứ hay hiện tại”, cuốn sách ghi nhận một góc cạnh khác, một thực tiễn nghiệt ngã của nghề tín dụng ngân hàng, nhưng cũng bao hàm trong đó bài học đầy giá trị để những nhân viên tín dụng hiểu được nghề, thêm vào hành trang những kinh nghiệm thực tế, bổ ích.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Tăng cường quản trị rủi ro để ngân hàng hoạt động hiệu quả
-
G7, Nga đấu nhau về hợp đồng khí đốt
-
Ngân hàng rầm rộ tung gói vay ưu đãi, vốn về đâu?
-
Biến thể Delta có thể là nguyên nhân khiến số ca Covid-19 ở Indonesia tăng đột biến
-
Khu vườn tươi trẻ trên sân thượng trường ĐH ở Sài Gòn
-
EVE sẽ bị UBCK xử phạt vì cho các sếp vay tiền?
-
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần cần có giấy tờ, hồ sơ gì?
-
Chứng khoán Mỹ, giá dầu và Bitcoin đồng loạt giảm
-
Doanh thu Bảo Minh (BMI) đạt gần 3.000 tỷ đồng sau 20 năm thành lập
-
Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 10/3: 114.276 ca nhiễm bệnh, 4.009 người chết