Iran giăng vũ khí ở Hormuz trả lời Mỹ

Theo Southfront, quyết định được của Iran được đưa ra nhằm đáp trả tuyên bố chống Iran mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tấn công vào các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Vũ khí chống hạm Iran triển khai tại Horumz.

Chính vì vậy Mỹ cần chuẩn bị để có biện pháp đáp trả xứng đáng nhằm vào Tehran", ông Trump tuyên bố. Cùng với tuyên bố trên, Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ (US CENTCOM) đã thực hiện một cuộc tập trận quy mô lớn với nội dung chống Iran phong tỏa Vịnh Ba Tư.

Tham gia cuộc diễn tập có nhiều tàu tuần tra lớp Cyclone, máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân, cường kích AC-130W Stinger II của Lực lượng đặc biệt Mỹ. Diễn tập được thực hiện nhằm luyện kỹ năng đối phó với mối đe dọa của hạm đội tàu cao tốc, tàu chiến cỡ nhỏ của Lực lượng IRGC.

Cuộc tập được thực hiện theo kịch bản trinh sát cơ P-8A làm nhiệm vụ trinh sát tầm xa, tàu tuần tra lớp Cyclone chỉ thị mục tiêu cho cường kích AC-130W khai hỏa đạn dẫn đường chính xác cho vũ khí hạng nặng và pháo 30mm tiêu diệt mục tiêu cơ động trên biển.

"Trước đây, chúng tôi đã sử dụng hiệu quả các khả năng tương tự để chống lại các lực lượng hiếu chiến cố gắng cản trở dòng chảy thương mại và hàng hải tự do trong khu vực bằng vũ lực, hay lên kế hoạch tấn công lực lượng của Mỹ và đồng minh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa khả năng sát thương nhằm vào vô số mối đe dọa ở Vịnh Ba Tư, Biển Arab, Biển Đỏ và các vùng biển lân cận", Phó đô đốc Jim Malloy, chỉ huy của CENTCOM cho biết sau cuộc diễn tập.

Đáp trả động thái của Mỹ, lực lượng IRGC đã quyết định triển khai loạt tên lửa chống hạm tối tân đến dảo Qeshm. Theo hình ảnh được công bố, toàn bộ số tên lửa này đã được lắp lên bệ phóng và hướng ra biển.

Hình ảnh được công bố cho thấy, nhiều tên lửa đất đối hải Nasr-1 đã trong tư thế sẵn sàng phóng. Về cơ bản loại tên lửa chống hạm tầm ngắn cỡ nhỏ này có thể hạ gục mọi tàu có trọng tải từ 1500 tấn trở xuống.

Cùng với Nasr-1, hình ảnh tên lửa chống hạm Noor cũng đã xuất hiện trong đợt triển khai lần này. Loại tên lửa này có tầm bắn tối đa từ 30 tới 170 km, sử dụng động cơ phản lực và có khả năng bay thấp sát mặt nước, đảm bảo cực kỳ khó bị phát hiện và rất khó bị đánh chặn bằng các phương pháp thông thường.

Tiếp theo là loại tên lửa hành trình chống hạm tầm trung mang tên Qader. Loại tên lửa này có tầm hoạt động lên tới 300 km và là một trong những loại tên lửa chống hạm hiếm hoi do Iran tự nghiên cứu và sản xuất thay vì phát triển theo công nghệ của nước ngoài.

Tên lửa này được cho là có khả năng mang theo một đầu đạn nặng 200 kg, bay ở độ cao dưới tầm radar, có hệ thống lái tự động hiện đại, hệ thống định vị tiên tiến, có khả năng hẹn giờ phóng và có thể phóng được từ trên bộ, trên biển hoặc trên không.

Trần bay của Qader có thể đạt tới chỉ 3 - 5 mét so với mực nước biển. Ở độ cao này, gần như mọi hệ thống radar phòng không sẽ bất lực trong khi đó radar quét mặt biển lại không thể bám theo một mục tiêu có tốc độ nhanh như Qader.

Trang Southfront cho rằng, cùng với số tên lửa đất đối hải kể trên, các tàu chiến cỡ nhỏ, tàu ngầm Iran cũng trong trạng thái sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Từ những thông tin nói trên có thể thấy Hải quân Iran hoàn toàn đủ năng lực để phong tỏa Eo biển Hormuz, thậm chí họ cũng sẵn sàng chiến đấu sòng phẳng với biên đội tàu chiến Mỹ tại đây nếu như Washington động binh.

Chính vì vậy, việc Mỹ huy động nhiều vũ khí tối tân luyện đòn tấn công nhằm đối phó với kịch bản Iran phong tỏa Eo biển Hormuz được giới quân sự nước này đánh giá là sự chuẩn bị không phải là thừa.


Nguồn: Báo Đất Việt