Khẩu vị mới của nhà đầu tư chiến lược

 Viglacera đang khẩn trương gút lại danh sách nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với mong muốn đưa DN có sự lột xác mạnh mẽ sau cổ phần hóa.

Khẩu vị mới của nhà đầu tư chiến lược

Việc bán cổ phần này dự kiến chia thành 2 giai đoạn và có thể trở thành một trong những thương vụ bán cổ phần lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam cho đối tác ngoại.

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Viglacera cho biết, sau đợt IPO đầu năm nay, hiện Nhà nước sở hữu trên 90% vốn tại Viglacera. Đợt đầu tiên, Tổng công ty (TCT) có thể bán cổ phần cho đối tác ngoại, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại đây xuống 75%. Giai đoạn tiếp theo, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN xuống 51%.

Hiện có nhiều NĐT nước ngoài đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông… quan tâm tới cổ phiếu Viglacera, chia thành 2 nhóm: các NĐT tài chính và các tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản. Trong định hướng phát triển của mình, Viglacera đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 20% doanh thu (hiện đạt 5% doanh thu), bởi vậy bắt tay với các đối tác nước ngoài mạnh về lĩnh vực TCT đang hoạt động là vấn đề rất được quan tâm. Trong số các đối tác có thể đồng hành dài hạn với TCT, một trong những yêu cầu đầu tiên họ đưa ra là TCT phải cam kết và có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DN xuống dưới 51%.

Ông Minh cho hay, NĐT chiến lược chấp nhận mức giá trên mệnh giá khi mua cổ phiếu lô lớn và họ thường đặt vấn đề được mua cổ phiếu tỷ lệ lớn tại TCT, có thể tham gia cả 2 giai đoạn: giảm vốn xuống 75% và 51%. Nếu giá bán cho đối tác chiến lược bằng giá trúng thầu bình quân của đợt IPO hồi đầu năm, số tiền NĐT bỏ vào trong đợt đầu vào khoảng 500 tỷ đồng.

Theo quy định, DN có thể có tối đa 3 NĐT chiến lược nước ngoài. Vì là DN không thuộc ngành nghề có điều kiện, Viglacera có thể bán tối đa 49% cổ phần cho NĐT ngoại. “Các đối tác ngoại sẽ giúp chúng tôi tăng chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sang các thị trường khác”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, Ban lãnh đạo Viglacera mong muốn và quyết tâm cải tổ hệ thống quản trị DN để có sự thay đổi sau cổ phần hóa, nên rất hoan nghênh và chờ đón yếu tố mới trong cơ cấu cổ đông. Đối tác nước ngoài sở hữu DN với tỷ lệ lớn sẽ có những đóng góp quan trọng cho DN.

“Chúng tôi có một liên doanh với Nhật Bản. Ban đầu, sự thẳng thắn của họ khiến mình chưa thật sự hài lòng. Nhưng cách làm việc này sau đó rất hiệu quả, những đóng góp của họ thực sự trúng vấn đề và tạo ra hiệu quả lớn cho liên doanh. Giờ thì việc hợp tác giữa hai bên rất tốt đẹp và chúng tôi đánh giá cao những đóng góp đó”, ông Minh nói.

Ngoài Viglacera, một “ông lớn” khác là Vietnam Airlines cũng đang khẩn trương tìm đối tác chiến lược. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, hãng đang đàm phán với một số NĐT chiến lược tiềm năng để bán 20% cổ phần. Trong số này bao gồm một số NĐT tiềm năng đến từ Nhật Bản và Vietnam Airlines có thể có một hoặc nhiều NĐT chiến lược. Nếu là DN trong ngành hàng không thì 2 cái tên nổi bật nhất là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL).

Trong con mắt của các NĐT, Vietnam Airlines có tiềm năng bởi tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không Việt Nam đạt 2 con số trong suốt 3 - 4 năm gần đây và năm 2013, Vietnam Airlines là một trong số ít hãng hàng không có lãi trong khu vực. Với giá khởi điểm dự kiến là 22.300 đồng/CP, vốn hóa tạm tính của Vietnam Airlines là hơn 31.400 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD.

Không phải TCT nhà nước nào sau khi cổ phần hóa cũng dễ dàng tìm được NĐT chiến lược, nếu không có lợi thế và tiềm năng. Trường hợp của TCT Thép Việt Nam (VNSteel) là một ví dụ. Khi tiến hành IPO vào năm 2011, có 4 NĐT là các nhà sản xuất thép quốc tế gửi thư bày tỏ sự quan tâm và mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của VNSteel, đó là: Nippon Steel Corp (Nhật Bản), Marubeni Itochu Steel Inc (Nhật Bản), Novolipetsk Steel (Nga) và Evraz Group SA (có trụ sở chính tại Luxembourg và hoạt động tại nhiều nước trên thế giới).

Tuy nhiên, sự chào đón của các NĐT nhạt dần theo kết quả kinh doanh đi xuống của VnSteel. Số lỗ lũy kế hai năm 2012 và 2013 của TCT này lên đến 830 tỷ đồng khiến NĐT ngừng hẳn việc đàm phán mua cổ phần. Diễn biến này khiến VNSteel phải xin ý kiến cổ đông tạm ngưng việc tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài để tập trung vào thay đổi tổ chức bộ máy hoạt động nhằm có lãi trước mắt.

TTCK Việt Nam đang trở thành cái tên được nhắc đến nhiều trên thế giới bởi mức độ tăng trưởng thuộc top cao nhất tính từ đầu năm tới nay. Nếu tới đây, Việt Nam thành công trong việc nâng hạng thị trường từ cận biên sang mới nổi, NĐT ngoại có lý do để đổ vốn vào thị trường, khi ấy con đường tìm NĐT chiến lược nước ngoài của các DN Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Nhưng trước hết, chính bản thân DN mới là yếu tố quyết định sức hút vốn ngoại.

Anh Việt

{fcomment}