Khó đảm bảo công bằng với hai loại cụm thi THPT quốc gia

"Thi ở cụm đại học chắc chắn điểm thấp hơn ở cụm thi địa phương. Như vậy là không công bằng cho thí sinh kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học", GS Đào Trọng Thi phân tích.

Sáng 23/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giải trình về kỳ thi THPT quốc gia với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng. Đa số đại biểu tham dự đồng tình với phương án một kỳ thi với hai mục đích tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, tuy nhiên, một vài băn khoăn vẫn được đưa ra, yêu cầu tư lệnh ngành giáo dục làm rõ.

Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng đổi mới thi khá bất ngờ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, mọi việc được làm có lộ trình chứ không bột phát vì vấn đề đổi mới thi đã được chuẩn bị từ những năm trước. Thay đổi thi là vấn đề lớn và nhạy cảm nên sau khi xây dựng xong phương án Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo báo cáo ở hội nghị của Hội đồng phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục, Ban Tuyên giáo trung ương. Chính phủ cũng họp, thảo luận và đồng tình.

Đại biểu Phạm Tất Thắng băn khoăn, phương án thi đã tính toán đến việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới dạy và học hay chưa? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích phương án thi này không phải là đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa bởi một việc là của tương lai, một việc là thay đổi để hướng tới tương lai. Phương án thi là mới nhưng học sinh vẫn đang học theo chương trình, sách giáo khoa cũ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu, vừa làm vừa lớn lên, học sinh thay đổi dần, thầy cô cũng hoàn thiện hơn. 

"Thay đổi lớn nhất của kỳ thi năm 2015 là ở đề thi, học sinh không còn học thuộc lòng mà theo hướng vận dụng kiến thức, hướng tới phát triển năng lực, từ đó thay đổi cách dạy và học", Bộ trưởng Luận nói và giải thích thêm những thay đổi đề thi sẽ không làm học sinh bị sốc, bất ngờ, lúng túng. Giống như kỳ thi vừa qua đã tổ chức, thí sinh không phải học thuộc lòng, dù có mang tài liệu vào cũng không giải quyết được gì. Đề thi vừa có phần cơ bản để có thông số xét tốt nghiệp vừa có phần phân hóa khó, rất khó để xét tuyển ĐH. 

Pham-Vu-Luan-JPG-1369-1411461428.jpg

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới thi năm 2015 trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 23/9. Ảnh: HT.

Đại biểu Phùng Văn Hùng băn khoăn, một số địa phương không có cụm thi do các trường ĐH chủ trì, giao cho Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ tổ chức cụm riêng dành cho những người không có ý định thi ĐH sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là khó đảm bảo mặt bằng chất lượng bởi từ xưa đến nay thí sinh ở địa phương đều đỗ tốt nghiệp cao nhưng khi thi ĐH thì điểm thấp. Việt Nam đặt rất cao tầm quan trọng của đầu vào, nên ông Hùng yêu cầu Bộ Giáo dục phải có giải pháp để học sinh có cơ hội bình đẳng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, Bộ định hướng tổ chức thi đảm bảo công bằng bằng cách thanh tra Bộ trực tiếp kiểm tra tổ chức thi ở cả cụm thi trường đại học và ở Sở. Cơ hội của thí sinh thi ở cụm địa phương sẽ không đóng lại vì có trường ĐH xét tuyển dựa trên kết quả THPT. 

Ông Luận cho rằng, việc tổ chức cụm thi ở từng tỉnh chưa thể thực hiện vì dư luận chưa tin kỳ thi do địa phương chủ trì. Phương án mà Bộ Giáo dục hướng đến là tổ chức theo cụm thi. Theo đó, thí sinh sẽ dự thi tại khoảng 20 cụm trên cả nước. Riêng những học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp, Bộ sẽ tạo điều kiện để thi tại cụm thi ở tỉnh, tránh việc đi lại tốn kém. Những năm qua, Bộ đã tổ chức 4 cụm thi đại học ở Tây Nguyên, Cần Thơ, Vinh, Hải Phòng. Sau khi thi tốt nghiệp, học sinh phải đến các cụm để dự thi vào đại học. Nhưng từ năm 2015, các em chỉ phải đi một lần đến cụm thi. Với những học sinh ở miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm địa phương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về mối quan hệ giữa các trường đại học và kết quả một kỳ thi chung, cũng như "Làm sao ngăn ngừa được tình trạng các trường đại học tuyển sinh kiểu vơ bèo vạt tép?", Bộ trưởng Giáo dục cho biết, Bộ giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường đại học. Theo đó, các trường được phép sử dụng toàn bộ kết quả của kỳ thi chung, sử dụng một phần hoặc không. Tất cả những điều này phải được ghi trong đề án tuyển sinh của từng trường, công bố trước 1/1. Đối với những trường tổ chức thi riêng thì phải có phương án trình Bộ.

"Không nên lo lắng các trường sẽ xét tuyển ào ạt vì không phải trường nào cũng xét tuyển được. Thực tế, năm 2014 Bộ cho phép tự chủ tuyển sinh riêng, nhưng ít trường thực hiện. Hơn nữa, phụ huynh, học sinh bây giờ hiểu biết hơn, không phải cố vào đại học bằng được, mà họ phải tính học trường nào ra dễ xin việc", ông Luận nói và nhấn mạnh, tình hình đã thay đổi, trường được tự chủ, nhưng học sinh cũng tự chủ trong lựa chọn của mình, không phải cứ thích "vơ bèo vạt tép mà được".

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: "Chúng ta chỉ đang loay hoay đổi mới thi cử, Bộ GD&ĐT đã tính đến cách nào để nâng tầm chất lượng giáo dục Việt Nam, trước hết là trong khu vực hay chưa?". 

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2016 sẽ tiếp tục có những thay đổi và Bộ sẽ có những báo cáo đánh giá tác động đến xã hội. Phương án 2015 chưa phải là hoàn chỉnh của đề án nhưng "hồn cốt" của nó là như vậy - tức là hướng tới đổi mới thi cử theo hướng đánh giá năng lực học sinh. 

Kết luận tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tốt sẽ giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đánh giá được năng lực học sinh, bảo đảm đủ cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ lấy kết quả xét tuyển.

Về 4 môn thi tối thiểu, Ủy ban Văn hóa giáo dục đồng tình bởi không thay đổi nhiều so với năm 2013. Ngoài 4 môn thi bắt buộc, học sinh có thể đăng ký thi thêm để đáp ứng nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy đảm bảo mục đích kỳ thi 2 trong 1.

Kỳ thi này không bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ nên việc có sử dụng kết quả hay không là hoàn toàn theo quyền chủ động của các trường. Ủy ban Văn hóa giáo dục đồng tình với giải pháp giao cho các trường đại học chủ trì tổ chức thi để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi.

"Về cụm thi ở địa phương, cần tính toán kỹ hơn. Chắc chắn tính nghiêm túc của 2 cụm thi này sẽ khác nhau, như vậy sẽ không tạo mặt bằng chung. Thi ở cụm đại học chắc chắn điểm thấp hơn ở cụm thi địa phương. Như vậy là không công bằng cho thí sinh kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học (vì các trường thi riêng sẽ vẫn được xét tuyển thí sinh thi ở cụm thi địa phương)", ông Thi nói.

Nếu để tạo thuận lợi cho thí sinh ở vùng xa, khó khăn, GS Đào Trọng Thi cho rằng chỉ cần tổ chức thi ở địa bàn cho học sinh miền núi, hải đảo, vùng sâu. Còn thí sinh nào muốn vào đại học thì thi ở cụm thi do trường đại học tổ chức. "Cần xem xét kỹ có nên tổ chức cụm thi ở địa phương không, nhằm loại trừ những bất cập không cần thiết", GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Hoàng Thùy

nguồn: vnexpress


{fcomment}