Khơi dậy tinh thần tự cường doanh nghiệp, doanh nhân

 Hiện cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Cùng với đó là sự phát triển của hàng trăm ngàn doanh nhân Việt Nam. 

Khơi dậy tinh thần tự cường doanh nghiệp, doanh nhân

Họ đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Những chuyển biến trong nước và quốc tế gần đây đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân thêm bản lĩnh để thể hiện trách nhiệm của mình với dân tộc, với đất nước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, trong đó có hai hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn đàm phán nước rút và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

Việc thực hiện các hiệp định này, một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, sau một thời gian khá dài phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu bài bản, nhiều DN, doanh nhân đang bộc lộ những điểm yếu căn bản: quản trị lạc hậu, đầu tư thiếu bài bản, sử dụng nguồn lực dễ dãi… Không ít doanh nhân buộc phải rời khỏi thương trường, DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Ngưỡng cửa hội nhập với những nền kinh tế lớn nhất thế giới qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là sự việc Biển Đông vừa qua đã kịp thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự dễ dãi và bị động trong việc lựa chọn công nghệ và thị trường.

Không có con đường nào khác, DN, doanh nhân phải nâng cao năng lực cạnh tranh để vững vàng bước chân vào cuộc chơi toàn cầu. Trong những trận chiến mới, ngoài nỗ lực bản thân, họ cần gì? Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Thời điểm này, nền kinh tế đang cần một luồng sinh khí mới. Sẽ phải có một sự đột phá để khơi dậy tinh thần kinh doanh”. Theo chuyên gia này, nhất thiết phải có những giải pháp để phân bổ lại nguồn lực, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người kinh doanh, để người dân chọn DN là một kênh tốt nhất để đầu tư, bỏ vốn vào thị trường một cách dài hạn.

Vậy nhà quản lý sẽ làm gì? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng, tất cả các loại hình DN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Riêng khu vực DN trong nước, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có cơ chế, chính sách để thúc đẩy khu vực này phát triển. Một trong những điểm quan trọng nhất của cả hai dự luật Đầu tư và Doanh nghiệp sửa đổi, đó là sẽ cụ thể hóa, thể chế hóa việc Hiến pháp 2013 quy định rằng, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm, thay vì được làm những gì mà pháp luật cho phép như trước đây. Với những sửa đổi quan trọng, như không yêu cầu ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư…, DN sẽ trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

“Đây là một bước đột phá vô cùng quan trọng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN, điều mà trước đây chúng ta đã nói đến nhiều nhưng chưa làm được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, sau gần 3 thập kỷ Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình vận động và chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, do vậy đòi hỏi cộng đồng DN cũng phải theo kịp bước tiến này. Phải làm sao để lớn hơn về quy mô, đổi mới khoa học - công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ quản trị… để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu và chuỗi giá trị của chính các DN Việt Nam. DN trong nước phát triển mạnh mẽ, sẽ có một ngày, Việt Nam có những thương hiệu mạnh, giống như nhắc đến Hàn Quốc, người ta nghĩ đến Samsung, hay Nhật Bản nghĩ đến có Toyota, Honda...

Thủy Nguyễn

{fcomment}