Không mua vaccine Nga, Trung Quốc, EU sẽ chọn gì?

Mới đây, Liên minh châu Âu đã gửi đi một tuyên bố cho thấy họ không chấp nhận các vaccine được phát triển bởi Nga và Trung Quốc cung cấp cho bất cứ quốc gia nào thuộc liên minh.

Các hãng vaccine mà EU "chọn mặt gửi vàng".

"Bất cứ loại vaccine nào được cung cấp trên lãnh thổ của Liên minh châu Âu đều sẽ phải tuân thủ cả các tiêu chuẩn chất lượng của EU và tuân theo các thủ tục được phê duyệt" - người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Eric Mamer nói.

Theo đó, vaccine đã có một chương trình cung cấp vaccine ngừa COVID-19 chung và sẽ thực hiện theo các bước nhất định bất chấp tình cảnh phức tạp hiện nay khi số ca mắc đã ở mức cao kỷ lục. Hungary đã tự đàm phán với Nga và Trung Quốc để thực hiện chương trình vaccine riêng song phương nhưng đã sớm bị EU cảnh báo.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đã có hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của 3 công ty dược phẩm AstraZeneca, Sanofi và Johnson&Johnson.

Để đáp ứng với nhu cầu ngày càng lớn, họ cũng đang tiếp tục đàm phán để mua thêm vaccine từ 4 công ty dược phẩm khác gồm Moderna, CureVac, Pfizer và BionTech.

Chủ tịch EU Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo của khối đã nhất trí sẽ phân phối đồng đều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước thành viên ngay khi có vaccine.

Tuy nhiên, theo các tiến độ thực hiện thí nghiệm hiện tại, EU có thể chưa có vaccine ngay trong tháng 12 năm nay.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ, ngày 29/10 cho rằng triển vọng khả quan nhất là các liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả đầu tiên sẽ được cung cấp cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại Mỹ vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 tới khi hai công ty dược phẩm của Mỹ Moderna và Pfizer hoàn tất quá trình thử nghiệm vaccine tiềm năng.

Trong khi đó, vaccine đang được Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển đã tạo ra các chấn động mới trong giới khoa học khi quá trình thử nghiệm đã gặp sự cố, ghi nhận 1 người thiệt mạng. Tuy nhiên, qua quá trình xem xét, họ xác định sự cố không đến từ vaccine đang thử nghiệm và nối lại việc thử nghiệm ngay sau đó.

Các chuyên gia tin rằng vaccine của Oxford và AstraZeneca có thể là vaccine đầu tiên được sản xuất trong bối cảnh các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua để tìm ra phương pháp chữa trị cho COVID-19.

Sau sự cố của vaccine do Oxford và AstraZeneca phát triển, Công ty Johnson & Johnson cũng gặp sự cố nhưng đã chuẩn bị nối lại thử nghiệm. Theo thông báo từ tập đoàn này, sau khi đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe của người này, họ không nhận thấy có nguyên nhân rõ ràng nào cho thấy vaccine đang thử nghiệm là nguyên nhân gây bệnh.

Vaccine do nhà sản xuất dược phẩm Sanofi SA của Pháp và GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đồng phát triển hiện vẫn ở giai đoạn giữa. Họ dự kiến có kết quả của giai đoạn 2 vào tháng 12/2020, dự định nộp đơn xin phê duyệt theo quy định vào năm 2021. Ứng cử viên vaccine của Sanofi-GSK sử dụng công nghệ dựa trên protein tái tổ hợp tương tự công nghệ tạo ra một trong những vaccine cúm mùa của Sanofi. Vaccine COVID-19 này sẽ được kết hợp với một hoạt chất để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Như vậy, từ nay cho tới cuối năm 2020, việc cung cấp vaccine một cách rộng rãi tới người dân châu Âu dường như là không thể.

Chính phủ các quốc gia châu Âu đang tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm hạn chế sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19. Châu Âu đang là tâm Covid-19 của thế giới khi ghi nhận 10.082.006 ca nhiễm và 266.822 ca tử vong do virus gây bệnh chết người này. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã áp phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn chống dịch, khiến nhiều người đổ xuống đường phản đối.

Các nhà khoa học cảnh báo tình huống xấu nhất là Anh sẽ có đến 80.000 chết trong mùa đông năm nay. Anh đang có số người chết vì COVID-19 cao nhất châu Âu và khoảng hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Pháp ghi nhận thêm 35.641 ca nhiễm và 223 ca tử vong trong một này. Số người tử vong vì COVID-19 ở nước này đã lên con số 36.788 người.

EU đang phải hứng chịu đợt lây lan COVID-19 mạnh mẽ nhưng vẫn từ chối dùng vaccine của Nga và Trung Quốc.

Cho đến nay, EU vẫn kiên quyết từ chối các vaccine đã được công bố là hiệu quả, được đảm bảo bởi người đứng đầu nước Nga - Vladimir Putin.

Nga đang thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 40.000 người ở Thủ đô Moscow. Ngoài nghiên cứu lâm sàng, nước này cũng tiêm chủng cho một lượng nhỏ người lao động ở tuyến đầu, bao gồm y bác sĩ, lực lượng biên phòng, hải quan.

Mới đây, Nga cũng phê duyệt khẩn cấp loại vaccine thứ hai là EpiVacCorona. Vaccine này sử dụng peptide được tổng hợp từ virus, hướng dẫn hệ thống miễn dịch cách nhận biết và vô hiệu hóa virus. Điểm mạnh của vaccine là an toàn và ít tạo phản ứng phụ. Ngoài ngăn ngừa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, peptide còn sử dụng để điều trị ung thư.

Ngày 28/10, Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 EpiVacCorona, trong bối cảnh số ca nhiễm của đất nước tăng cao nhanh chóng.


Nguồn: Báo Đất Việt