Làm gì khi doanh nghiệp giả mạo quyết định ĐHCĐ?

Trường hợp các cổ đông nhận thấy hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu khiến họ và Công ty bị thiệt hại, thì làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự hoặc tòa kinh tế để được giải quyết.

 

Làm gì khi doanh nghiệp giả mạo quyết định ĐHCĐ?

 

Liên quan đến nghi vấn CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (VNN) giả mạo biên bản và quyết định của ĐHCĐ để hợp thức hồ sơ và được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 10, giới đầu tư một mặt quan ngại về tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp khi VNN giải trình thông tin theo kiểu chiếu lệ, không trả lời thẳng vào nghi vấn mà công luận, thị trường nêu ra, đồng thời đặt dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dựa trên hồ sơ giả mạo. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) xung quanh vấn đề này.

Trong trường hợp của VNN nêu trên, liệu cơ quan đăng ký kinh doanh có liên đới chịu trách nhiệm, thưa ông?

Với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, một khi cơ quan đăng ký kinh doanh tuân thủ đúng các quy định đó, thì không thể buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm về hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu của một ai đó tại doanh nghiệp.

Nếu bị thiệt hại, cổ đông có thể khởi kiện ra tòa

Ông có cho rằng, quy định pháp lý như vậy là bất hợp lý, cần thay đổi quy định hiện hành theo hướng tăng quyền và trách nhiệm hậu kiểm đối với cơ quan đăng ký kinh doanh, qua đó có điều kiện phát hiện và áp dụng các biện pháp xử lý có tính răn đe đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp?

Điều này là khó khả thi, bởi sẽ tạo ra sự quá tải đối với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ở đây, pháp luật sẽ quy trách nhiệm cho đối tượng làm giả hồ sơ, tài liệu, trên cơ sở đó áp dụng các chế tài xử lý. Để xảy ra sự giả mạo, thì trách nhiệm thuộc về nội bộ của doanh nghiệp, cụ thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, người ký xác nhận vào các loại giấy tờ, hồ sơ đó. Nếu xảy ra sai phạm này, rõ ràng có sự yếu kém của doanh nghiệp trong quản trị, kiểm soát nội bộ.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ một ai đó tại doanh nghiệp có liên quan đến việc giả mạo hồ sơ, tài liệu, để được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì họ phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành vi sai phạm do mình gây ra.

Theo quy định hiện hành, cổ đông, những người bị thiệt hại tại VNN là người có quyền yêu cầu các đối tượng có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bằng cách nào để họ làm được như vậy, thưa ông?

Trước những nghi vấn về vi phạm, các cổ đông, nhóm cổ đông căn cứ vào điều lệ Công ty, có quyền yêu cầu những người có trách nhiệm tại doanh nghiệp giải trình, làm rõ nghi vấn giả mạo hồ sơ, tài liệu, động cơ giả mạo là gì, ai có chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc giả mạo…, kèm theo đó là đưa ra biện pháp xử lý.

Trường hợp các cổ đông nhận thấy hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu khiến họ và Công ty bị thiệt hại, thì làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự hoặc tòa kinh tế để được giải quyết. Nếu cổ đông cho rằng, vi phạm có dấu hiệu hình sự, thì họ có quyền làm đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng để xem xét khởi tố, điều tra.

Việc sử dụng các biện pháp như ông vừa nêu đều khó khăn đối với cổ đông, bởi họ phải thu thập được tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi giả mạo, trong khi để thu thập được các chứng cứ này, cổ đông thường phải thông qua chính người giữ các chức danh đó tại doanh nghiệp?

Trong quá trình thu thập chứng cứ để khởi kiện ra tòa dân sự, tòa kinh tế, nếu cổ đông, những người bị hại gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ, thì quy định hiện hành cho phép họ yêu cầu tòa án sử dụng biện pháp thu thập chứng cứ (thay vì cổ đông phải thực hiện, nhưng không khả thi do lãnh đạo doanh nghiệp cản trở), để chứng minh hành vi vi phạm của bị đơn.

Trên cơ sở chứng cứ thu nhập được, tòa án sẽ thụ lý, giải quyết vụ kiện theo quy định của pháp luật.

Hữu Đạo
Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}