Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối tuần này trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sẽ nâng giá trị pháp lý kết luận của KTNN vốn lâu nay bị không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… xem nhẹ.
Bình quân mỗi năm, KTNN thực hiện trên 100 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại 60% tỉnh, thành phố; báo cáo tài chính của 60% bộ, ngành; báo cáo tài chính của trên 12% số doanh nghiệp nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính hàng chục ngàn tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán hàng năm cho thấy, sai phạm trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước ngày càng gia tăng. Bằng chứng là, trong 5 năm gần đây, cơ quan này đã kiến nghị xử lý 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính kể từ năm 1995 trở lại đây. Nhưng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ nộp vào ngân sách, xử lý tài chính 60 - 70% tổng số tiền sai phạm đã được kết luận.
Cụ thể, năm 2009 và 2010 chỉ xử lý được tương ứng chưa đến 69% và 72% số tiền mà KTNN kiến nghị truy thu, truy hồi, giảm chi cho ngân sách nhà nước. Thậm chí, tính đến cuối năm 2013, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ nộp lại ngân sách, giảm chi ngân sách được 65% trong trên tổng số tiền 14.518 tỷ đồng sai phạm bị phát hiện trong năm 2012.
Nhiều đại biểu Quốc hội khá bức xúc mỗi khi đọc báo cáo kiểm toán do KTNN gửi đến. Bởi ngoài việc không chấp hành nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN, trong nhiều năm gần đây, các báo cáo liên tục lặp đi, lặp lại cụm từ “doanh nghiệp nhà nước vẫn còn diễn ra tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, xác định không đầy đủ tiền sử dụng đất”, “tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách khác ở cả Trung ương lẫn địa phương chưa được khắc phục”, “nợ thuế ngày càng gia tăng”, hay “hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng cơ bản như chậm tiến độ, nghiệm thu sai khối lượng, hỗ trợ tái định cư không phù hợp… không được khắc phục triệt để”, “chi hành chính liên tục vượt dự toán, trong khi chi cho giáo dục, y tế, khoa học không bảo đảm”…
Vì sao kết luận của cơ quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước bị “xem thường”?
Ngoài nguyên nhân khách quan là hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp không có nguồn để thực hiện kết luận xử lý tài chính theo quy định, còn có nhiều nguyên nhân quan trọng nữa, như chưa có chế tài xử lý đối với đơn vị vi phạm, nên nhiều đơn vị mặc dù chấp nhận kết luận của KTNN, nhưng cố tình chây ỳ việc nộp lại tiền vào ngân sách.
Đáng nói hơn, hiện không có chế tài xử lý người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm, nên các đơn vị sai phạm xem ra “nhờn thuốc”, vì dù có bị kết luận là “hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế” hay “sử dụng tiền chi cho y tế, giáo dục để đi công tác nước ngoài trái quy định”, “chi tiêu vượt tiêu chuẩn, định mức cho phép”…, thì người đứng đầu vẫn không bị xử lý, dù chỉ với hình thức nhẹ nhất là khiển trách.
Không có chế tài xử lý cơ quan chủ quản đơn vị sai phạm cũng là nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị của KTNN nhiều khi bị vô hiệu. Bởi không bị xử lý, nên việc đốc thúc đơn vị sai phạm thực hiện kết luận, kiến nghị không được coi trọng.
Ngoài ra, bản thân KTNN không có thông tin và cơ chế giám sát tình hình thực hiện kết luận của mình đến đâu, nên kết luận của cơ quan kiểm tra, giám sát này nhiều khi chỉ có giá trị… “tham khảo”, chứ không phải hơn là yêu cầu pháp lý bắt buộc thực hiện.
Bên cạnh đó, mặc dù theo quy định hiện hành, KTNN có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán; đề nghị xử lý những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhưng trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, KTNN hầu như không kiến nghị cơ quan nhà nước xử lý tổ chức, cá nhân nào không thực hiện hoặc thực hiện kết luận, kiến nghị không đầy đủ. Thực tế này cũng khiến giá trị pháp lý của kết luận kiểm toán bị xem nhẹ.
Trước tình trạng sử dụng tiền, tài sản nhà nước lãng phí, gây thất thoát diễn ra khắp nơi; tham ô, tham nhũng vẫn là vấn nạn, thì yêu cầu thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước là một đòi hỏi cấp bách, được đặt ra trong sửa đổi Luật KTNN lần này. Chỉ khi có chế tài xử lý đủ mạnh đối với đơn vị vi phạm, người đứng đầu đơn vị vi phạm và cả người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có đơn vị vi phạm, thì mới kỳ vọng đẩy lùi tham nhũng, thất thoát, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
baodautu.vn
{fcomment}
-
Xông hơi có chữa được COVID-19?
-
Thủ tướng Chính phủ xếp hạng bảy di tích quốc gia đặc biệt
-
Quản trị và quản lý rủi ro ngân hàng sẽ thay đổi
-
Bao cao su kéo dài thời gian có thực sự an toàn như chúng ta vẫn nghĩ hay không?
-
Đức có thể phạt tới 10.000 euro với người vi phạm quy định đeo khẩu trang
-
Nền kinh tế “tiêu hóa” vốn kém: 90.000 tỷ đồng tồn kho
-
Những cô gái tốt đều phải sống rực rỡ
-
Sức hút của cổ phiếu ngành thép
-
Việt Nam thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng vì hạn hán, ngập mặn
-
Top 9 smartphone tầm trung cho sinh viên