Lợi nhuận ngân hàng bị “đe dọa”

 Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay của nhiều ngân hàng ở mức khiêm tốn và được tính toán kỹ trước áp lực tăng trích dự phòng rủi ro, song xu hướng nợ xấu chưa giảm khiến chỉ tiêu này đang bị “đe dọa”.

Lợi nhuận ngân hàng bị “đe dọa”

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu về quy mô dư nợ, huy động, Ngân hàng vẫn giữ được mức tăng trưởng cao: huy động tăng 13,5%, cao hơn mức trung bình của ngành; dư nợ tăng trưởng tối đa theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). OCB đã đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng mới và đang chờ NHNN phê duyệt. Còn chỉ tiêu về chất lượng, OCB đạt các chỉ tiêu theo quy định mới tại Thông tư 02 và Thông tư 36 của NHNN.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong nửa đầu năm nay của OCB chỉ đạt 64 và 51 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, OCB mới hoàn thành được 15,3% kế hoạch lợi nhuận năm (410 tỷ đồng). Nguyên nhân do chi phí hoạt động trong kỳ là 374 tỷ đồng, tăng 15,7%; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 216 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2014.

“Lý do không đạt được kế hoạch lợi nhuận một phần đến từ việc chúng tôi tăng cường chính sách dự phòng theo yêu cầu của NHNN. Đồng thời, khi thực hiện các tiêu chuẩn mới theo Thông tư 36 thì một số khoản chi phí tăng lên như chi phí về thanh khoản. Các hoạt động khác vẫn tiến triển tốt”, ông Tùng nói và cho hay, OCB đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Theo ông Tùng, OCB liên tục đổi mới trong phương pháp xử lý và thu hồi nợ xấu. Ngân hàng đã xây dựng một bộ phận chuyên trách trực tiếp xử lý nợ xấu. Lúc đầu, các bộ phận chuyên trách này nằm ở các khối kinh doanh, sau đó OCB tập trung lại thành Trung tâm xử lý nợ. Ngoài thay đổi cơ cấu tổ chức, OCB còn nghiên cứu thay đổi về phương pháp và quy trình xử lý nợ xấu. Cuối năm 2013, đầu năm 2014, Ngân hàng đã mời KPMG hỗ trợ để xây dựng lại toàn bộ hệ thống chính sách, quy trình, thủ tục và các kỹ năng trong quá trình xử lý nợ của Trung tâm xử lý nợ.

“Khả năng đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu của OCB sẽ giảm từ 2,7% hiện nay xuống quanh mức 1%. Như vậy mới có thể kỳ vọng lợi nhuận tốt”, ông Tùng nói.

6 tháng đầu năm, DongA Bank đạt 102 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đạt trên 50% kế hoạch năm (200 tỷ đồng). Tuy nhiên, do nợ xấu tăng mạnh trong năm qua và chưa có điểm dừng trong năm nay nên kế hoạch năm 2015 của DongA Bank là bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC (6 tháng đầu năm đã bán được 1.000 tỷ đồng). Nếu cộng con số nợ xấu đã bán cho VAMC năm trước và kế hoạch năm nay thì tổng nợ xấu ngân hàng này bán cho VAMC vào cuối năm lên đến gần 10.000 tỷ đồng, đòi hỏi khoản dự phòng không nhỏ (gần 2.000 tỷ đồng/năm), nên khó có thể kỳ vọng được mức lợi nhuận cao.

VPBank đạt 1.172 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 939 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 46,8% kế hoạch năm (2.500 tỷ đồng). Trong kỳ, cho vay khách hàng đạt 96.278 tỷ đồng, tăng 22,8%; tiền gửi của khách hàng đạt 120.430 tỷ đồng, tăng 11,1%. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của VPBank tăng từ 2,54% cuối năm 2014 lên 2,77%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 1.075 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số nợ xấu. Vì thế, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh lên 860 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm 2014.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 6/2015, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố giảm mức 2% so với cuối tháng 4/2015. Tuy nhiên, tổng nợ xấu vẫn lớn, 62.228 tỷ đồng, chiếm 5,47% tổng dư nợ. Nếu trừ 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng gồm: VNBC, OceanBank, GP.Bank, thì nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 41.695 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ. Trong 20.300 tỷ đồng nợ xấu mà NHNN giao các NHTM trên địa bàn thành phố xử lý thì đến cuối tháng 6/2015, các ngân hàng đã tự xử lý được 3.100 tỷ đồng, bán cho VAMC 22.360 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ giảm về đúng mục tiêu 3% vào cuối năm.

Tuy nhiên, nợ xấu bán cho VAMC càng nhiều, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao hơn, nên khó kỳ vọng đạt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Các ngân hàng cũng xác định, mục tiêu trong bối cảnh hiện nay là đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát rủi ro nợ xấu nên sẽ dành mọi nguồn lực để trích dự phòng, kể cả “hy sinh” lợi nhuận.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán