Lý giải khối ngoại bán ròng

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại, phải chăng khối ngoại đang có đợt rút vốn ra khỏi TTCK Việt Nam?

Lý giải khối ngoại bán ròng

Theo CTCK MayBank Kim Eng, lực bán của khối ngoại có giảm trong vài phiên gần đây, nhưng vẫn chưa biết hoạt động này sắp kết thúc hay chưa. Trong khi đó, thị trường đang tiếp cận các mức kháng cự mạnh và kinh nghiệm cho thấy, hoạt động chốt lời thường diễn ra tại các mức kháng cự.

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến khối ngoại bán ròng trong thời gian qua. Thứ nhất, khi VN-Index giảm xuống gần 500 điểm do thị trường bị tác động bởi “sự kiện giàn khoan Hải Dương 981”, khối ngoại đã mua rất mạnh. Sau đó, thị trường phục hồi khiến nhà đầu tư nước ngoài chốt lời ở vùng giá cao.

Thứ hai, khi VN-Index tăng lên vùng 600 điểm thì chỉ số P/E ở mức khá cao, tức giá cổ phiếu bị coi là đắt, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chịu áp lực về mặt giá trị và bán ra.

Thứ ba, từ cuối năm 2013, khối ngoại kỳ vọng vào việc Chính phủ Việt Nam sẽ nới “room” nên tích cực mua vào chứng khoán. Đến nay, thời điểm nới room vẫn chưa rõ ràng, nên nhiều khả năng họ bán ra để gia tăng tiền mặt và chờ cơ hội khi triển vọng nới room chắc chắn hơn.

Thứ tư là quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là kế hoạch IPO của một số doanh nghiệp lớn như Vinatex, Vietnam Airlines đang được triển khai. nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các doanh nghiệp lớn này, nên họ cần chuẩn bị một lượng tiền mặt để sẵn sàng tham gia các đợt IPO.

“Khối ngoại bán ròng, chứ không phải rút vốn ra khỏi TTCK Việt Nam”, ông Yun Hang Jin nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm tới TTCK Việt Nam, nhất là thông tin về những doanh nghiệpNN lớn sắp IPO. Họ đánh giá cao việc IPO được công bố thông tin rõ ràng như thời điểm, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài…

Các doanh nghiệp được họ chú ý nhất là Vietnam Airlines, MobiFone, đặc biệt là Vinatex, với kỳ vọng thời gian tới, ngành dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Một điểm đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược đầu tư trên TTCK Việt Nam. Trước đây, họ đầu tư dài hạn và tập trung vào các cổ phiếu blue-chip, có độ rủi ro thấp, nhưng nay họ giảm tiêu chuẩn đầu tư, chấp nhận đầu tư vào những cổ phiếu vừa và nhỏ và tăng cường đầu tư ngắn hạn.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi những cổ phiếu blue-chip hầu như đã cạn room. Trong khi đó, đầu tư những mã nhỏ có rủi ro cao hơn, nhưng đi kèm với khả năng sinh lời lớn. Trong quý II/2014, TTCK Việt Nam biến động mạnh, VN-Index dao động trong khoảng 510 - 610 điểm, không ít cổ phiếu nhỏ có mức tăng giá lớn. Tuy nhiên, do giá những cổ phiếu này biến động mạnh nên họ chủ yếu đầu tư ngắn hạn.

Liên quan đến việc ra đời quỹ ETF nội địa có giải được bài toán về room cho khối ngoại, ông Yun Hang Jin đánh giá, TTCK Việt Nam sẽ có thêm phương tiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm tới quỹ này. Tuy nhiên, một số quy định đối với giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài với ETF nội địa chưa rõ ràng. Chẳng hạn, cổ phiếu VNM hiện đã kín room 49% nhưng nằm trong danh sách của quỹ ETF nội địa thì nhà đầu tư ngoại có được mua thêm cổ phiếu này trong quỹ ETF hay không?

“Nếu không có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua thêm những cổ phiếu hết room trong ETF nội địa thì khối ngoại sẽ tích cực tham gia quỹ và ngược lại”, ông Yun nói.

Trao đổi với ĐTCK, nhiều ý kiến cho rằng, dù khối ngoại không rút vốn, nhưng nếu không có thông tin mới trong việc nới room trong bối cảnh áp lực về mặt giá trị và rủi ro khó lường từ chiến lược rút vốn của Mỹ sẽ khiến lực mua của khối ngoại tiếp tục suy giảm.

Phan Hằng

{fcomment}