Ly hôn vì bạn đời nghiện điện thoại

Theo các chuyên gia, sử dụng điện thoại quá nhiều và bỏ bê người thân, công việc nhà cũng là một dạng bạo hành về mặt cảm xúc trong gia đình.

Một số chuyên gia tư vấn hôn nhân khẳng định rằng nghiện điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các vụ ly hôn ở Trung Quốc, theo SCMP.

"Sử dụng điện thoại chiếm rất nhiều thời gian, vốn được dùng để giao tiếp với bạn đời, thực hiện các nhiệm vụ gia đình hoặc giáo dục con cái. Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại đã khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh xung đột", Kang Lanying, nhà hòa giải mâu thuẫn hôn nhân ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nói.

Chỉ riêng ở Vũ Hán đã có hơn 10.000 người hòa giải các vấn đề gia đình. Cao Hongling, một hòa giải viên cao cấp khác làm việc tại Vũ Hán, cho biết 30% các xung đột hôn nhân mà cô đã giải quyết có liên quan đến việc sử dụng điện thoại quá nhiều.

30% các vụ ly hôn ở Trung Quốc bắt nguồn từ việc sử dụng điện thoại quá nhiều. Ảnh: SCMP.

"Nghiện điện thoại di động đã dẫn đến việc vợ chồng không giao tiếp được với nhau. Nếu một người dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, họ thường không chia sẻ công việc nhà và không quan tâm đến đối phương. Tất cả những vấn đề này cuối cùng sẽ dẫn đến ly dị", Cao nói.

Cao cho biết đây cũng là một dạng bạo lực gia đình, được gọi là "cold violence", là bạo hành về mặt tinh thần khi một người giảm thiểu hoặc ngừng mọi giao tiếp bằng lời nói lẫn thể chất với người kia.

Lý do chia tay

Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tăng từ 2/1.000 (2 trường hợp ly dị trong 1.000 người) vào năm 2010 lên 3,4/1.000 vào năm 2019. Năm 2020, tỷ lệ này giảm còn 3,1/1.000.

Ly hôn gia tăng đã khiến các nhà chức trách nước này đưa ra chính sách "30 ngày hòa giải" gây tranh cãi vào năm ngoái. Theo chính sách này, trước khi được chính thức chia tay trên giấy tờ, các đôi vợ chồng phải trải qua ít nhất một tháng cân nhắc lại.

Cao cho biết cô từng giúp một phụ nữ, người đã nộp đơn ly hôn vì cảm thấy "ngột ngạt" khi ở nhà.

"Chồng tôi không quan tâm đến tôi, con cái hay nhà cửa. Ngay khi đi làm về, anh ấy chỉ dán mắt vào điện thoại mà không làm gì khác. Tôi yêu cầu anh ấy giúp làm việc nhà, nhưng anh ấy không đáp lại", người phụ nữ kể với Cao. "Tôi không thể chấp nhận sự im lặng đó".

Dán mắt vào điện thoại thay vì giao tiếp với bạn đời cũng là một dạng bạo hành trong gia đình. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đó, người chồng không nghĩ mình làm gì sai vì ngày nào anh cũng trở về nhà sau giờ làm. "Tôi chỉ lướt mạng xã hội, đọc tin tức và chơi trò chơi trên điện thoại di động của mình", người đàn ông nói.

Vì vậy, anh từ chối giảm thời gian sử dụng điện thoại di động.

Người dùng Internet Trung Quốc đưa ra quan điểm trái ngược trước thông tin điện thoại di động là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn.

"Các đôi không còn tình yêu nữa mà thôi. Đừng dùng điện thoại làm cái cớ để chia tay", một người viết trên Weibo.

Tuy nhiên, một người khác bình luận: "Chơi game và xem video trên điện thoại di động thực sự chiếm rất nhiều thời gian. Kết quả là mọi người không còn thời gian rảnh rỗi hay năng lượng để nghĩ về những thứ khác".

Nghiện điện thoại

Không chỉ ở Trung Quốc, sử dụng điện thoại quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chia tay ở Anh.

57% người 25-34 tuổi phàn nàn rằng việc sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng đến cuộc sống lãng mạn của họ, theo cuộc khảo sát của YouGov. Những người này cảm thấy bản thân luôn bị người yêu/bạn đời phớt lờ, không quan tâm.

Điện thoại di động cũng tạo ra ngờ vực, gây ra các cuộc tranh cãi và thậm chí dẫn đến sự đổ lỗi, không chung thủy.

Amanda Rimmer, luật sư gia đình, cho biết: "Một số cặp vợ chồng hiện dành nhiều thời gian để nghịch điện thoại hơn là thể hiện tình cảm với nhau. Mọi người ngủ, ăn, chơi và nói chuyện với điện thoại.

Chúng tôi đã nhận thấy sự gia tăng các vụ ly hôn trong 5 năm qua do bạn đời nghiện điện thoại. Nhiều người cũng cho rằng hành vi bí mật sử dụng điện thoại di động của vợ/chồng là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang tan vỡ".

57% người 25-34 tuổi ở Anh phàn nàn rằng việc sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của họ. Ảnh: Handout.

Theo Cambridge Dictionary, "phubbing" là "hành động phớt lờ người đang ở cùng bằng cách chỉ chú ý vào màn hình điện thoại di động của bạn". Thuật ngữ này ra đời vào năm 2013, là từ ghép của các từ "phone" và "snubbing".

Dấu hiệu để nhận biết bạn đang "phubbing", tức dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thay vì quan tâm đến những người xung quanh:

- Bạn luôn mang theo điện thoại khi ở bên cạnh người yêu, bạn bè của mình.

- Hầu hết cuộc trò chuyện của bạn với mọi người chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vì bạn thường xuyên sử dụng điện thoại.

- Bạn thường bị phân tâm trong các cuộc hội thoại vì bận xem điện thoại.

- Bạn lấp đầy khoảng trống trong cuộc trò chuyện bằng cách kiểm tra điện thoại của mình.

- Khi đang xem TV cùng người khác, bạn tiếp tục sử dụng điện thoại trong thời gian quảng cáo.

Nguồn: https://zingnews.vn/ly-hon-vi-ban-doi-nghien-dien-thoai-post1302744.html