Miliket – 'vua' mì tôm một thời lênh đênh giữa cơn sóng thị trường

Nhưng giờ đây, với sự bùng nổ của nhiều thương hiệu mới đã đẩy mì hai tôm lênh đênh trên “cơn sóng” thị trường.

Huyền thoại mì tôm Miliket

Là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, mì ăn liền 2 tôm Miliket là khởi nguồn cho danh từ "mì tôm" ở Việt Nam.

Colusa được sản xuất đầu những năm 1970 là một trong những thương hiệu mì ăn liền đầu tiên tại Việt Nam. Sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa – Miliket, nhưng người dùng thường chỉ gọi là Miliket.

Bao bì hiện nay của mì Miliket

Đây là sản phẩm của một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất ở Việt Nam. Tiền thân của Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa – Miliket ngày nay (có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM) là hai xí nghiệp: Xí nghiệp Chế biến lương thực - thực phẩm Colusa và Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket.

Trong đó, Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty Sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco – Sài Gòn thực phẩm. Sau năm 1975, đơn vị này được giao cho Công ty Lương thực TP HCM trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý và được gọi là Xí nghiệp Chế biến lương thực thực thẩm Colusa.

Còn Xí nghiệp Lương thực thực phẩm Miliket có từ năm 1995, là kết quả sáp nhập từ hai cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực Quận 5 (có từ năm 1985).

Đến tháng 4/2004, Xí nghiệp Colusa và Miliket sáp nhập thành Công ty Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket. Hai năm sau đó, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành mô hình cổ phần. Đến nay, công ty này vẫn giữ vốn điều lệ 48 tỷ đồng.

Nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket với hình hai tôm (sau là bốn tôm) trên bao bì giấy xi măng đã “xâm chiếm” kệ bếp của hầu khắp các gia đình. Vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, mặt hàng này thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam khi chiếm khoảng 90% thị phần.

Mặt hàng quen thuộc đến mức người tiêu dùng lấy hai từ “mì tôm” định danh cho loại thực phẩm này. Ngoài mì hai tôm, một sản phẩm khác của công ty cũng khá thành công là mì ký, mì gói đóng trong các túi nilon to 10-20 gói/túi, không có bao bì bên ngoài.

Sau năm 1975, Miliket là “vua mì gói”, thống trị cả thị trường và thống trị luôn cả tuổi thơ của biết bao thế hệ. Trong khoảng thời gian 1980 – 1990, khi đời sống khó khăn, chỉ những người tầng lớp “thượng lưu” mới thường xuyên được ăn mì tôm. Còn những gia đình khó khăn hơn, hôm nào cải thiện lắm trong bữa ăn mới có gói mì. Nhiều trường hợp đau ốm mới được “tẩm bổ” bằng mì tôm.

Đến những năm 90, khi kinh tế khấm khá hơn, mì Miliket trở nên phổ biến, là món ăn khoái khẩu của mỗi gia đình. Đặc biệt, nó là thứ lương khô không thể thiếu trong thùng đồ của nhiều thế hệ sinh viên.

Âm thầm thống trị thị trường ngách

Sau hơn 30 năm tồn tại, trong bối cảnh hàng chục thương hiệu mì mới ra đời, cạnh tranh khốc liệt, mì Miliket thời hội nhập vẫn trung thành với mẫu mã “hai con tôm”, chất lượng cũng gần như không có sự thay đổi.

Mì Miliket ít xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị.

Miliket mất dần thị phần khi đối mặt với các hãng mì mới, hình ảnh bắt mắt, bao bì đa dạng, liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm và có các chiến lược truyền thông tiếp cận người tiêu dùng.

Năm 2000, Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) “khai sinh” mì Hảo Hảo cùng với sự gia nhập thị trường liên tiếp của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước như Masan, Asia Foods, khiến “ngai vàng” của Miliket bắt đầu lung lay. Với nguồn lực lớn, chiến lược đầu tư, quảng bá bài bản cùng kênh phân phối rộng lớn, các tay đua đến sau đã lần lượt vượt mặt anh cả.

Từ người dẫn đầu, thương hiệu này làm ăn sa sút, doanh thu giảm qua từng năm. Giai đoạn 2018 – 2019, thị phần của Miliket chỉ ở mức trên dưới 3-4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam, thua xa với các thương hiệu mì ăn liền đình đám trên thị trường như Hảo Hảo (Acecook, chiếm 40% thị phần), Omachi, Kokomi (Masan, 15% thị phần) hay Ba Miền, Gấu Đỏ (Asia Foods, 15% thị phần).

Nhiều người cho rằng doanh nghiệp này bảo thủ nên dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp như thời gian qua. Năm 2012, lợi nhuận công ty chỉ đạt 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 19 tỷ đồng.

Những năm gần đây, doanh thu có chiều hướng tăng trở lại khi năm, công ty ghi nhận doanh thu tăng 4% lên 625 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 31,4 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt tương đương với tỷ lệ gần 32%. Tuy nhiên, quy mô doanh thu, lợi nhuận và thị phần của Miliket vẫn rất nhỏ so với các đối thủ.

Thoi thóp đứng hạng chót, đã có lúc người ta quên mất sự hiện diện của "ông vua" mì gói một thời. Tuy nhiên, giữa cuộc cạnh tranh tàn khốc của thị trường mì ăn liền, Miliket vẫn tìm được một hướng riêng để tồn tại trong suốt thập niên qua.

Năm 2016, đơn vị này cũng đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng để phát triển các hạng mục mới, trong đó có dây chuyền sản xuất hủ tiếu và sản xuất các mặt hàng sản phẩm từ gạo. Tuy nhiên, hiện sản lượng tiêu thụ mì gói giấy kraft với hai con tôm quen thuộc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tiêu thụ sản lượng hàng năm của Miliket. Bao bì của Miliket đã có chút biến đổi, xuất hiện bao bì chất liệu khác ngoài giấy kraft đen còn có kraft trắng, giấy kiếng. Ngoài mì gói, công ty còn đầu tư cả sản phẩm mì ly, cháo, bột canh, tương ớt, miến ăn liền…

Thay vì tập trung cả thị phần bình dân và cao cấp như trước, Miliket giờ chỉ đi theo thị trường bình dân ở các vùng nông thôn, xuất hiện trong những quán lẩu vỉa hè. Đồng thời, mì hai tôm đã mạnh dạn khai thác thêm nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Singapore, Pháp, Úc, Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lào, Campuchia, Samoa…, dù sản lượng chưa cao.

Tuy vậy, nói gì thì nói chiến lược giá rẻ nhất trên kệ siêu thị, phân phối sỉ vào nhà hàng bình dân, thị trường nông thôn... vẫn giúp Miliket “thu tiền” đều đặn hàng chục năm qua. Đầu tháng 7/2017, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Cosula - Miliket được niêm yết trên sàn UpCOM với giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa của Cosula đạt 124 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty cho thấy trong suốt 10 năm qua, Miliket không hề thua lỗ mà vẫn ghi nhận mức tăng trưởng bình quân doanh thu là 13,12%/năm. Lợi nhuận bình quân cũng đạt tăng trưởng 11,65%/năm. So với năm 2008, lợi nhuận của Miliket đã tăng hơn gấp 3.

Không những thế, tuy bây giờ trên thị trường đã có hàng trăm loại mì gói, cả trong nước và ngoại nhập, nhưng nhiều gia đình Việt vẫn nhớ đến Miliket. Dù không xuất hiện một giây quảng cáo nào trên các phương tiện truyền thông nhưng Miliket vẫn “trú ẩn” thành công trong cơn bão hàng tiêu dùng nhanh do các “đại gia” như Vina Acecook, Masan, Asia Food… tạo nên.

Trong một thị trường mì gói cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay, việc chọn phân khúc giá rẻ cùng với lợi thế hồi ức và thói quen khi nhiều người dùng mì này không hẳn bởi hương vị thơm ngon mà vì họ nghĩ đến quá khứ nghèo khó đã gắn liền với thương hiệu Miliket. Biết đâu đến một ngày nào đó, Miliket trở lại thời hoàng kim, gắn liền với mì ăn lẩu, mì giá rẻ...


Nguồn: Báo Pháp Luật Plus