Một dải miền Trung chỉ góp 14% GDP cho cả nước

Ngoại trừ Thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi, thu nhập bình quân đầu người các tỉnh còn lại ở miền Trung chỉ đạt khoảng 55-60% mức bình quân cả nước.

Theo số liệu được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại "Diễn đàn kinh tế miền Trung" diễn ra sáng 15/8, tăng trưởng kinh tế của vùng trong những năm gần đây bình quân khoảng 6%, tổng GDP của vùng chiếm khoảng 14% GDP cả nước.
So với mức bình quân chung, GDP bình quân đầu người của các tỉnh trong vùng còn tương đối thấp. Ngoại trừ Thành phố Đà Nẵng năm 2012 đạt xấp xỉ 47,6 triệu bằng khoảng trên 2,3 lần mức trung bình cả nước; tiếp đến là Quảng Ngãi đạt gần 36 triệu, tương đương với mức bình quân cả nước thì các tỉnh còn lại chỉ đạt khoảng 55-60% mức bình quân cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung sáng 15/8.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung sáng 15/8.
Cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng được đánh giá là đang chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 25-27% GDP, cao hơn mức trung bình của cả nước (18,4%); Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ của toàn vùng khoảng 73-75%, trong đó dịch vụ chiếm khoảng 37-38%.
Hiện trong vùng có 8 cảng hàng không, trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế (Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh), 7 cảng biển loại I và 7 cảng biển loại II , nhiều quốc lộ, đường sắt Bắc – Nam, phân bố khá đều giữa các địa phương, nối liền các đô thị.
Ngoại trừ bốn địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% là Thành phố Đà Nẵng (2,5%), Thừa Thiên - Huế (8,9%), Khánh Hòa (8%), Bình Thuận (7,7%), các tỉnh còn lại đều có tỷ lệ nghèo trên 13%, cao nhất là Hà Tĩnh lên tới trên 20,7% (năm 2013). Vấn đề giảm nghèo bền vững đang gặp nhiều khó khăn cả về chủ quan cũng như khách quan.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng, để tận dụng được các tiềm năng và thế mạnh cho phát triển, trở thành động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực miền Trung (bao gồm Tây Nguyên), vùng Duyên hải miền Trung phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức to lớn.
Trong hàng loạt những thách thức, khó khăn thì miền Trung đang phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nằm trong vùng thường xuyên có bão và lũ lụt ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Địa hình chia cắt, tính liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa các địa phương trong vùng không cao khiến việc tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội thống nhất để tạo ra cực tăng trưởng lớn có sức cạnh tranh quốc tế của vùng bị hạn chế.
Miền Trung cho đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế, sức mua thị trường nội vùng không lớn; chưa có các sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Sản phẩm cạnh tranh đặc thù trên thương trường ít.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, những diễn biến phức tạp ở các vùng biển, trong đó có biển Đông với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam là những thách thức rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước nói chung cũng như đối với vùng Duyên hải miền Trung - nơi có vị trí đặc biệt quan trọng.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng nói: "tôi mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp, các đối tác phát triển, các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các địa phương trong Vùng thông qua mọi hình thức: đầu tư phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực thể chế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... để cùng chung tay góp sức với Chính phủ và các địa phương tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thách thức, thực hiện có kết quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng".
Miền Trung nhiều thế mạnh, nhưng sao vẫn nghèo?
Đó là câu hỏi mà PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra trong bài tham luận phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung.
TS Trần Đình Thiên mở đầu tham luận với nhận định: những khác biệt cộng với vị trí địa lý "khúc ruột miền Trung" ở giữa đất nước đã làm cho Duyên hải miền Trung đóng một vai trò - chức năng phát triển đặc thù.

"Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, chưa “cất cánh” thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu - Bắc Bộ và Nam Bộ, dù có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là “đầu tàu” mạnh, cũng chưa thể bay lên thật sự" - ông Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, với tất cả sự khác biệt và đặc sắc của mình, miền Trung lại không thể phát triển theo cách của miền Nam và miền Bắc, cho dù đó là những cách mang lại thành công. Miền Trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Miền Trung cũng không thể phát triển du lịch và đô thị giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Với phân bố địa lý và kiểu dáng đặc biệt của mình, miền Trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai vùng Bắc Bộ và Nam Bộ.

TS.Trần Đình Thiên.

TS.Trần Đình Thiên.

Vậy, miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai - để có thể bứt phá phát triển, để có thể, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước?

Với bờ biển dài, bãi biển đẹp, các di sản văn hóa thế giới của miền Trung ken dày với Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn, Lễ hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận... - đó là những thế mạnh "tự nhiên, vốn có" của miền Trung. "Nhưng suốt cả một thời kỳ lịch sử hàng năm, miền Trung vẫn nghèo, vẫn không thể giàu với những tiềm năng to lớn đó".

Theo phân tích của TS Trần Đình Thiên, sự khác biệt và tiềm năng đẳng cấp của miền Trung là thứ dành cho cả loài người và chỉ trong thời đại công nghệ cao. Miền Trung có bờ biển vàng nhưng miền Trung chỉ giàu khi miền Trung là “của loài người, khi có loài người, và khi cùng với loài người”. Và điều đó chỉ có thể xẩy ra trong thời đại mở cửa, hội nhập và công nghệ cao.

Vì vậy, đến lúc này, thế mạnh tiềm năng của miền Trung mới được nhận diện theo đúng nghĩa, nhưng lại theo cách rất “tự nhiên”, “đương nhiên”, vì chúng là đã là “vốn có”. Vấn đề còn lại chỉ là biết hành động “thuận theo lẽ tự nhiên” và phù hợp với lợi ích mà thế giới mong có được ở miền Trung.

Trong tư duy phát triển miền Trung hiện tại, cùng với lựa chọn du lịch làm trục phát triển chính là phát triển công nghiệp địa phương. Điển hình là Quảng Nam với Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Ngãi với Khu Kinh tế Dung Quất, Bình Định với Khu Kinh tế Nhơn Hội và Đà Nẵng với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Gần 40 khu công nghiệp và được tổ chức theo kiểu “bách hóa tổng hợp” (không theo kiểu “chuỗi – industrial cluster” hay khu công nghiệp chuyên sâu), với đẳng cấp công nghệ nhìn chung là rất thấp, theo ông Thiên.

Vị chuyên gia cũng đánh giá, về nguyên tắc, sự lựa chọn phát triển dựa trên lợi thế so sánh cảng biển lớn là đúng đắn và phát triển đô thị - biển đẳng cấp cao là một xu thế phát triển dựa trên lợi thế chiến lược tuyệt đối của các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, định hướng này chỉ thành công với hai điều kiện. Một là lãnh đạo các tỉnh phải vượt qua được áp lực và lợi ích cục bộ ngắn hạn (thu ngân sách và tạo việc làm chất lượng thấp). Hai là phải có những chế tài cấp Vùng đủ mạnh và đủ hiệu lực để bảo đảm sự tuân thủ lợi ích chiến lược của Vùng. Điều kiện thứ hai chỉ có được với sự can thiệp của Trung ương theo cách đặt ra chế tài Vùng hoặc thiết lập thể chế điều hành cấp Vùng đủ quyền lực và dựa trên các khuyến khích lợi ích thực tiễn phù hợp.

Cả hai điểm này, theo TS Trần Đình Thiên, ít hay nhiều, so với trạng thái thực tế hiện nay, đều là thách thức hiện thực và không dễ vượt qua đặt ra cho nỗ lực liên kết phát triển Vùng Duyên hải miền Trung.

Bích Diệp

Dân trí

{fcomment}