COVID-19: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thông suốt

Việc Chính phủ và ngân hàng đã thực hiện đưa vào thị trường gói tín dụng 285.000 tỉ đồng và hạ một loạt lãi suất là một động thái tích cực hỗ trợ nền kinh tế lẫn các doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, CEO Trường Doanh nhân BizLight, đây là những bước đi kịp thời, chủ động và cần thiết nhưng để sự hỗ trợ này thiết thực, hiệu quả cần triển khai đúng hướng, đúng đối tượng, bên cạnh đó đòi hỏi nỗ lực nội tại chính bản thân các DN.

Hàng loạt giải pháp tăng sức cho doanh nghiệp

. Phóng viên:Ông đánh giá thế nào về việc COVID-19 tác động đến bức tranh chung nền kinh tế lẫn hoạt động kinh doanh DN?

+ TS Bùi Quang Tín: Hiện dịch bệnh tác động không chỉ đến nền kinh tế Việt Nam mà còn trên cấp độ toàn cầu với tình trạng suy giảm tăng trưởng. Có thể nói tầm ảnh hưởng của COVID-19 có quy mô còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính khi gây ảnh hưởng tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực kinh doanh ở cấp độ toàn cầu.

Tại Việt Nam, chúng ta nhìn thấy một loạt lĩnh vực kinh doanh đang bị tác động tiêu cực trước dịch bệnh trải dài từ hàng không, du lịch, vận tải đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Sự khó khăn đã hiện diện thực tế khi Bộ GTVT tính toán trong hai tháng vừa qua đã thiệt hại lên đến 30.000 tỉ đồng, cùng với đó là ngành du lịch cũng thiệt hại hàng tỉ USD do lượng khách du lịch suy yếu.

Nếu như Trung Quốc trong đỉnh dịch tác động đến nguồn cung nguyên liệu, vật liệu, đầu vào hàng hóa xuất khẩu thì giờ đến lượt các nước châu Âu, Mỹ rơi vào đỉnh dịch, tạm thời khóa đường biên, mà đây là những thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống Việt Nam khiến đầu ra bị ảnh hưởng.

Khi cung cầu bị ảnh hưởng, tăng trưởng suy giảm thì hoạt động kinh doanh của DN bị đình trệ, công ăn việc làm bị mất đi. Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy nếu dịch kéo dài đến quý II, gần 80% DN trong diện khảo sát trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng...

. Ông đánh giá thế nào về gói tín dụng 285.000 tỉ đồng cũng như chính sách tài khóa vừa được tung ra mới đây?

+ Có thể nói đây là giải pháp vô cùng kịp thời của Chính phủ lẫn các ngân hàng để tháo gỡ những khó khăn mà DN gặp phải để đủ khả năng trang trải các chi phí hoạt động DN, cũng như tìm kiếm dòng tiền ổn định và phát triển thị trường trong thời gian hiện nay cũng như sắp tới khi COVID-19 được kiểm soát và chấm dứt.

Điều quan trọng hơn hết là khi thực hiện Chỉ thị 11 ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ cần tập trung vào nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của DN như miễn, giảm phí, thuế, giãn, hoãn nợ vay và tiền thuế…

Các hoạt động này được đẩy mạnh không những hỗ trợ tăng trưởng mà còn tạo công ăn việc làm cho DN và tạo tiền đề phát triển cho tương lai.

. Và mới nhất là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố giảm một loạt lãi suất, ông đánh giá điều này ra sao?

+ Bối cảnh để NHNN quyết định hạ một loạt lãi suất một phần đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất đồng USD xuống 0% và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tham gia vào cuộc đua giảm lãi. Nếu như các nước giảm lãi suất để tăng thanh khoản thị trường, hỗ trợ DN thì hành động của NHNN Việt Nam cũng tương tự.

Với việc điều chỉnh cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất huy động, NHNN đang hướng đến nhiều mục tiêu. Đầu tiên việc điều chỉnh lãi suất điều hành lần này chủ yếu tập trung tác động vào các khoản vay mới và mục tiêu lớn nhất là làm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ giảm, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn và đặc biệt là lãi suất giao dịch trên thị trường mở sẽ giảm trong thời gian tới.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần được triển khai đúng hướng, thông suốt từ trung ương tới địa phương. Ảnh: Q.HUY

Và khi ngân hàng thương mại tiếp cận được dòng vốn giá rẻ lẫn nhận được hỗ trợ rất lớn về dòng tiền từ NHNN có ý nghĩa chuyển dịch sang cho những người vay vốn vì khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và DN là dòng tiền và tính thanh khoản.

Trên thực tế, bản thân các DN Việt Nam hiện nay nhu cầu về vốn rất yếu, các hoạt động kinh doanh của nhiều DN phát triển chậm, thậm chí là nhiều DN còn đang chờ cơ hội mới để phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là chờ các gói kích thích mới của Chính phủ và chờ tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn.

Như vậy, có thể thấy động thái của NHNN đã hỗ trợ rất lớn về dòng tiền, nhất là thanh khoản trên thị trường cho các DN. Mặc dù DN chỉ hưởng lợi đối với các khoản vay mới, tuy nhiên vẫn hy vọng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ giảm đi.

Một điều đáng lưu ý là NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành trong tương quan với lạm phát, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian tới. Về tổng thể, cũng sẽ không gây tác động tiêu cực đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

40.000 là số DN đã được các ngân hàng hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau như xem xét giảm lãi suất, tái cơ cấu thời gian trả nợ, cũng như khoanh nợ, không thay đổi nhóm nợ, theo thống kê của NHNN.

Chính sách phải lan tỏa từ trung ương tới địa phương

. Chính sách đã có, gói hỗ trợ đã có nhưng vấn đề để các DN tiếp cận được trên thực tế không phải dễ dàng. Vậy theo ông, giải pháp nào tốt nhất trong tình hình hiện nay?

+ Điều quan tâm của các DN hiện nay chính là các khoản vay cũ đang được áp dụng lãi suất trước đây nên làm sao đó, ngân hàng thương mại cần phối hợp để DN được tái cơ cấu trả nợ, đặc biệt là có thể giảm lãi suất cho vay đối với những hợp đồng cho vay cũ. Đó mới mang tính thực chất hơn.

Ngoài ra, với vấn đề miễn, giảm thuế hiện chỉ dành cho những DN chứng minh sự thiệt hại của mình đến từ dịch COVID-19. Mà sự chứng minh này cũng không hề dễ dàng vì đòi hỏi DN tuân thủ đúng chuẩn mực kế toán và thuế. Do đó, bản thân DN phải phối hợp với cơ quan nhà nước để xác định thiệt hại, khó khăn thì mới được miễn, giảm.

Như vậy, vấn đề quan trọng là làm sao phải lan tỏa từ trung ương xuống đến địa phương. Trung ương đã có những chính sách mạnh mẽ thì địa phương, vốn gắn bó và có sự hiểu biết các DN phải làm thế nào để chính sách triển khai mang tính thực chất hơn, lúc đó DN mới hưởng lợi.

. Tuy nhiên, trong gói tín dụng 285.000 tỉ đồng, một phần lớn quyết định đến từ ngân hàng thương mại, trong khi đó ngân hàng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, vậy cách nào để dòng vốn đến được DN?

+ Hỗ trợ lãi suất mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là nằm ở quyết định của các ngân hàng thương mại, làm sao đó hỗ trợ mang tính hiệu quả cho các DN. Vì bản thân các ngân hàng muốn cho vay vốn phải tuân thủ các quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.

Mong muốn DN hiện nay là các ngân hàng hỗ trợ trực tiếp cho các DN, đồng thời quy trình thẩm định hồ sơ và quá trình tiếp cận, tư vấn DN mang tính thực chất hơn nữa.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các DN không chỉ khó khăn ở nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa, mà hiện khó cả thị trường đầu ra nên dòng tiền sinh lợi ra vô cùng khó khăn.

Do đó, bản thân các ngân hàng phải có đội ngũ nhân viên tìm hiểu kỹ và hiểu rõ hoạt động của DN để có những phương án thích hợp cho vay vốn. Còn nếu ngân hàng cứ cứng nhắc trong cách cho vay tín dụng như trước thì thực sự rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Làm tốt điều này, các DN mới có khả năng phát triển tồn tại và kinh doanh mới có dòng tiền trả nợ, hay ít nhất món nợ đó họ trả được phần tiền lãi đã cam kết trong hợp đồng.

Do đó, nếu ngân hàng chậm trễ hỗ trợ DN, không có đội ngũ tư vấn tốt, không hiểu rõ hoạt động kinh doanh của DN thì các ngân hàng cũng chính là tự gây khó cho mình. Mối quan hệ hai chiều giữa DN và ngân hàng nếu làm tốt và chặt chẽ thì gói tín dụng đi vào thực tế sẽ thực chất hơn.

. Xin cám ơn ông.

Doanh nghiệp cần tập trung tái cấu trúc

. Theo ông, các DN cần có những nỗ lực nội tại nào để vượt khó?

+ Các DN lúc này kinh doanh khó khăn nhưng trong nguy vẫn luôn có cơ hội. Do đó, DN phải tái cấu trúc hệ thống kinh doanh, phải đào tạo lại đội ngũ nhân sự, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Và hơn bao giờ hết thị trường nội địa của chúng ta vẫn là nơi mà tôi nghĩ có khả năng tiêu thụ hàng hóa rất lớn.

Dù lực cầu có suy giảm nhưng không đến mức giảm quá nhiều. Và thị trường nội địa vẫn là thị trường tiềm năng nên các DN trong nước tự tái cấu trúc, thay đổi hoạt động kinh doanh và nhắm đến phục vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, đội ngũ bán hàng cần chăm sóc khách tốt hơn so với trước đây, thậm chí giảm giá bán để giữ chân khách hàng, tiếp cận được khách hàng mục tiêu.

Với cách làm này, DN có khả năng duy trì được hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian 3-6 tháng tới. Đồng thời, nghĩ kế hoạch cho tương lai vì cơ hội còn rất nhiều.

Nếu vượt qua giai đoạn này và khi dịch bệnh chấm dứt, khi đó DN nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.


Nguồn: Báo PLO