Ngân hàng Nhà nước: Nhà băng không có động cơ để `đi đêm` lãi suất

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện tượng vượt trần hay trả tiền chênh cho người gửi tại các nhà băng không phổ biến, chưa gây sức ép lên lãi suất cho vay.

Trao đổi với VnExpress, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - Bùi Quốc Dũng khẳng định, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ổn định và chưa gặp sức ép tăng khi nhiều ngân hàng đẩy cao chi phí huy động 

- Sau Tết Nguyên đán luôn là thời điểm các nhà băng dư vốn, lượng tiền gửi nhiều, tín dụng chưa tăng mạnh..., song thị trường năm nay lại ghi nhận tình trạng lãi suất huy động dâng cao. Cuộc đua này sẽ tác động thế nào tới lãi suất cho vay? 

- Vừa qua, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động VND là do yếu tố tạm thời, để dự trù nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh sau các tháng đầu năm. Về cơ bản, đây không phải xu hướng chung của toàn thị trường vì trên thực tế, cũng có nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động. Theo số liệu của chúng tôi, mặt bằng lãi suất vẫn tương đổi ổn định, tính cả hệ thống ở mức 4,5-5,4% một năm với kỳ hạn từ một đến dưới 6 tháng và 5,5-7,2% cho trên 6 tháng.

Ngoài ra, xét về cân đối chi phí vốn và thu nhập thì hệ số lợi nhuận biên ròng của các ngân hàng không có nhiều biến động từ đầu năm. Đây là những điều kiện hỗ trợ, giúp mặt bằng lãi suất cho vay chưa có sức ép tăng. So với các năm trước, lãi suất cho vay bình quân hiện khoảng 8,85% một năm; 6-9% một năm (ngắn hạn) và 9-11% (trung và dài hạn). Mức này ổn định so với cuối năm 2015 và giảm đáng kể so với mức bình quân 10,3% của năm 2014, 12% của năm 2013 và 15% của năm 2012. Nhiều khách hàng tốt vẫn có thể vay khoảng 5-6% một năm.

- Vì đua lãi suất, hiện tượng vượt trần lãi tiền gửi VND với các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng xuất hiện gần đây ở một số nhà băng. Có nơi còn trả khoản chênh 0,5-0,6% một năm cho khách gửi đôla Mỹ. Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc làm trái quy định này?

- Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều công văn, chỉ thị yêu cầu các tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo về lãi suất huy động, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần, cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

khong-co-dong-co-de-ngan-hang-di-dem-lai-suat

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết tín dụng ngoại tệ đang giảm mạnh so với cuối năm 2015. Ảnh: Thanh Lan.

Còn về việc “đi đêm” lãi suất huy động đôla Mỹ, số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 2, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm gần 4%, còn tín dụng ngoại tệ giảm 5,6% so với cuối năm 2015. Như vậy xét trên yếu tố thanh khoản ngoại tệ, các ngân hàng hiện nay không có áp lực vượt trần lãi suất để huy động USD bằng mọi giá. Tuy nhiên, không ngoại trừ việc một số nhà băng xem việc trả thêm lãi như một hình thức để giữ chân khách chứ không phải do thiếu thanh khoản ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân, nếu nắm được những trường hợp vi phạm thì chủ động cung cấp thông tin. Chúng tôi khẳng định sẽ kiểm tra, xác minh và xử lý theo thẩm quyền.

- Một trong những lý do khiến các nhà băng mạnh tay đua lãi suất dài hạn là để đón đầu những sửa đổi của Thông tư 36 về việc giảm mạnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ông thấy sao khi có ý kiến cho rằng Thông tư này đang làm khó thị trường bất động sản?

- Quy định này nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản do chênh lệch kỳ hạn (huy động vốn chủ yếu là ngắn hạn nên phải sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Việc nới lỏng quy định này chỉ nên được thực hiện trong thời gian ngắn với những điều kiện nhất định.

khong-co-dong-co-de-ngan-hang-di-dem-lai-suat-1

Trần lãi suất hiện chỉ áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Ảnh: Thanh Lan.

Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản chỉ là một cấu phần trong cho vay trung, dài hạn của ngân hàng. Các nhà băng sẽ quyết định việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (được phép) để cho vay trung, dài hạn tùy thuộc vào mức độ rủi ro và khả năng sinh lời. Số liệu thống kê cho thấy, trong một thời gian dài quy định tỷ lệ này là 40% (từ năm 2005 đến năm 2009) và 30% (từ năm 2009 đến năm 2014) thì quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng trung dài hạn, trong đó có tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn có lúc tăng trưởng đột biến.

Thực tế việc sửa đổi Thông tư 36 đã nhận được ý kiến ủng hộ của các chuyên gia trong và ngoài vì quy định mới sẽ khuyến khích các ngân hàng tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay, tránh dư nợ bất động sản tăng trưởng quá nhanh dễ dẫn đến bong bóng đầu cơ. Đây là tín hiệu phát ra kịp thời, giúp doanh nghiệp sớm định hướng kinh doanh để tránh lặp lại khó khăn của giai đoạn 2009, qua đó, góp phần tăng minh bạch và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Hơn nữa, quy định mới cũng góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam theo hướng chuyển dịch kênh huy động vốn trung, dài hạn sang thị trường chứng khoán, giảm gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Về lâu dài, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào về khả năng dỡ bỏ trần lãi suất huy động?

- Sau thời gian dài áp dụng chính sách “trần lãi suất” từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước thấy các nhà băng đã chấp hành tốt quy định, trong đó những ngân hàng thương mại có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, đã ấn định mức lãi suất thấp so với trần.

Từ đó, chúng tôi đã từng bước dỡ bỏ quy định trần lãi suất: Từ tháng 6/2012, bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và từ tháng 6/2013 đến nay chỉ áp dụng trần đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, hiện là 5,5%.

Giữ mức trần này nhằm định hướng kỳ vọng lạm phát và xem như một “barrie” để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt và phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.

Nguồn Vnexpress